Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

Chưa bầu đã vu khống

Phạm Trần (Danlambao) - Từ trước tới nay, những người được đảng chọn cho ra ứng cử qua hình thức “hiệp thương” (hay chọn trước) của Mặt trận Tổ quốc không được phép đi vận động tranh cử như ở các nước dân chủ. Thậm chí họ cũng chẳng cần phải có chương trình tranh cử để vận động cử tri nên người dân đi bầu chỉ biết đảng bảo bỏ cho ai thì bỏ người ấy, chẳng ai dám chống lại. Đó là hình thức “đảng cử dân bầu” đã nhàm chán, phản dân chủ và đi ngược lại trào lưu tiến hóa của nhân loại. Vì thế, khi phải đối diện với hình thức vận động tranh cử thật sự tự do và dân chủ hơn của những người tự ra ứng cử vào Quốc hội, qua cách dùng Internet để phổ biến rộng rải chương trình tranh cử thì đảng cuống lên lo đối phó...

*


“Một thành viên đoàn giám sát, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia đã đưa ra nhận định: Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND lần này so với năm 2011 có nhiều điểm mới, đã hình thành “phong trào tự ứng cử”. Theo thông tin của tiểu ban an ninh, đứng sau một số trường hợp tự ứng cử có tổ chức phản động trong nước và nước ngoài hỗ trợ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri.

Thành viên này cũng cho biết sẽ có một số trường hợp tự ứng cử sẽ không có trong danh sách bầu cử sau các vòng hiệp thương.”

Báo chí bên Việt Nam đã đồng loạt đưa tin như thế trong số báo ra ngày 15/03/2016 khi viết về buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng dẫn đầu với Thành phố Hà Nội về kết quả triển khai công tác bầu cử.

Tin này cho biết có tất cả 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, nhưng “thành viên trong đoàn giám sát” lại “không nêu cụ thể trường hợp nào.”

Ông ta còn được các báo trích lời nói rằng: "Sẽ có một số trường hợp tự ứng cử phải đưa khỏi danh sách sau các vòng hiệp thương… Lúc đó chắc chắn một số trường hợp bị loại sẽ cho là không dân chủ. Họ sẽ vận động, lôi kéo cử tri không tham gia bầu cử hoặc đi bầu cử nhưng không bầu cho ai cả".

Tiết lộ một tin quan trọng liên quan đến tư cách của ứng cử viên Quốc hội khóa 14, sẽ bầu ngày 22/05/2016, như thế mà “không nêu cụ thể trường hợp nào” là phạm tội vu khống vô cắn cứ.

Tội vu khống được quy định, hướng dẫn tại điều 156 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Vì động cơ đê hèn;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

c) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy rõ ràng, lời nói của viên chức đảng, không nêu tên, nhưng là “thành viên đoàn giám sát, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia” đã chạm đến nhiều người, hay tất cả 47 người tự ứng cử vào Quốc hội. Nếu ông ta không có bằng chứng trình cho Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội thì ông ta đã phạm tội vu khống.

Và nếu Hội đồng bầu cử Quốc gia cứ nhắm mắt loại bỏ những người tự ứng cử theo “văn bản miệng” của viên chức này thì từ ông Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Sinh Hùng, đương kim Chủ tịch Quốc hội khóa 13, trở xuống cùng phạm động đồng lõa vu khống theo Luật hình sự.

Đây là hành vi vi phạm luật nghiêm trọng chứ không phải là thói quen ăn bừa và nói càn của nhiều viên chức có chức có quyền trong đảng cầm quyền Cộng sản Việt Nam như vẫn xẩy ra mà không hề bị trừng phạt.

Trong trường hợp của những người tự ứng cử đã bị cáo buộc vu vơ thì thì đó là hành động “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp” của họ.

Người cán bộ của Hội đồng bầu cử Quốc gia (HĐBCQG), nếu không chứng minh được lời tố cáo của mình thì ông ta đã “Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền” là Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội và HĐBCQG.

Viên chức này cũng đã “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” khi đưa ra lời tố cáo vu vơ như thế. Ông ta cũng đã tiếm quyền của Mặt trận Tổ quốc, cơ quan có trách nhiệm tổ chức “hiệp thương” để chọn người ra tranh cử, khi ông biết trước rằng: "Sẽ có một số trường hợp tự ứng cử sẽ không có trong danh sách bầu cử sau các vòng hiệp thương.”

Ai cho ông cái quyền sinh sát này, hay chính ông đã xác nhận chuyện “hiệp thương” cũng chỉ bầy ra cho có vậy thôi chứ mọi việc đã quyết cả rồi?

Đòi làm rõ-lên án quy chụp

Vì vậy, ít nhất cũng đã có 3 người tự ứng cử Quốc hội khóa 14 là Tiến sỹ Nguyễn Quang A, bà Đặng Bích Phượng và Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện đã gửi thư yêu cầu làm rõ thông tin “Tổ chức phản động đứng sau một số người ứng cử Quốc hội” tới Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội.

Theo tin của Website “Vận động Ứng cử Đại biểu Quốc hội 2016” thì: "Tiến sỹ Nguyễn Quang A đã đến trực tiếp Hội đồng bầu cử Quốc gia số 22 Hùng Vương, để gặp ông Nguyễn Sinh Hùng, ông Nguyễn Xuân Phú, ông Huỳnh Ngọc Sơn để yêu cầu làm rõ thông tin tổ chức phản động họ là ai? Tiểu ban an ninh dựa trên cơ sở nào?, ứng viên nào được tổ chức phản động tài trợ? v.v... Theo các ứng viên tự do, không thể quy chụp tất cả các ứng viên như thế được, tiểu ban an ninh, giám sát bầu cử cần phải nó rõ, chỉ ra trường hợp cụ thể.”

Thư khiếu nại của Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện viết: “Tôi là Nguyễn Xuân Diện; CMTND: 011293117, do Công an Hà Nội cấp ngày 16/5/2012; địa chỉ: 201, B8 TT Kim Liên, Quận Đống Đa, TP Hà Nội; một trong 47 người tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.

Tôi ứng cử đại biểu Quốc hội với mong muốn cống hiến sức lực và trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo hướng trở thành một quốc gia tự do, dân chủ, xã hội công bằng và văn minh.

Thế nhưng, tôi đã rất sốc khi đọc thông tin dưới đây trên trang báo điện tử VnExpress, ngày 15/3/2016, trong bài viết có tựa đề “Tổ chức phản động đứng sau một số người ứng cử Quốc hội

Là một trong 47 người tự ứng cử tại Hà Nội, tôi rất bức xúc khi đọc các thông tin trên. Tôi tự hỏi, vì sao việc “hình thành phong trào tự ứng cử” lại có thể bị thành viên của Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhận định như thế khiến cho “kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn”, trong khi đó là một việc rất tốt, rất cần được khuyến khích, bởi nó mở rộng quyền tự do của người dân, đặc biệt là quyền tham gia chính trị?

Tôi cũng tự hỏi, “một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài”, là thế nào vậy? Tổ chức phản động đó là tổ chức nào, và một số người có sự ủng hộ đó là những ai?

Trên phương diện luật pháp, điều khoản nào trong luật định nghĩa một tổ chức là phản động? Có những căn cứ pháp lý nào để xếp loại, đánh giá một tổ chức là phản động?

Ông Nguyễn Xuân Diện thắc mắc: "Tôi thật sự không thể hiểu nổi thành viên nọ có động cơ gì khi phát biểu những điều trên với báo chí, một cách hết sức hàm hồ, vô căn cứ, vô luật pháp. Đây là điều không thể chấp nhận được ở một người có vai trò “thành viên đoàn giám sát, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Cách phát biểu hàm hồ như vậy khiến tôi có suy nghĩ: Phải chăng vì e ngại các ứng cử viên độc lập có thể trở thành đại biểu Quốc hội, mà thành viên nọ tìm cách dựng chuyện, chụp mũ chung chung cho các ứng viên, để giảm thiểu khả năng trúng cử của họ.

Với những tâm tư đó, tôi đề nghị Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng Bầu cử Quốc gia nêu ra và chỉ rõ:

– Ai, cá nhân nào “có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động” theo như bài báo của VnExpress nêu?

– Tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đó là tổ chức nào? Căn cứ vào đâu, cơ sở pháp lý nào mà họ bị đánh giá là “phản động”?

Nhằm đảm bảo thông tin thông suốt, “đảm bảo các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử”, “kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử”… như Chỉ thị 51-CT/TW ngày 04-01-2016 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, tôi rất mong đề nghị trên đây của tôi được đáp ứng.

Vẫn theo tin của Website “Vận động Ứng cử Đại biểu Quốc hội 2016” thì trong số những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội trên cả nước (Hà Nội, Sài Gòn, Đồng Nai, Đà Nẵng, Đà Lạt...), có những người sau đây đã nộp hồ sơ:

1.Nguyễn Quang A
2.Nguyễn Thị Kim Anh
3.Phan Văn Bách
4.Nguyễn Xuân Diện
5.Hoàng Văn Dũng
6.Nguyễn Đình Hà
7.Nguyễn Thúy Hạnh
8.Nguyễn Việt Hưng
9.Lê Văn Luân
10.Đỗ Việt Khoa
11.Đỗ Nguyễn Mai Khôi
12.Nguyễn Kim Môn
13.Nguyễn Đình Nam
14.Nguyễn Trang Nhung
15.Phan Văn Phong
16.Ngô Xuân Phúc
17.Đặng Bích Phượng
18.Bùi Minh Quốc
19.Kim Tiến
20.Nguyễn Văn Thạnh
21.Nguyễn Tường Thụy
22.Đỗ Anh Tuấn
23.Trần Đăng Tuấn
24.Phạm Văn Việt
25.Nguyễn Công Vượng

Danh sách này được cập nhật vào 17h ngày 13/3/2016 nhưng không đầy đủ, so với con số 47 người tự ứng cử ở Hà Nội và 50 ở Sài Gòn.

Tại sao chống tự ứng cử?

Nhằm đối phó với phong trào tự ứng cử của những người nổi tiếng đòi dân chủ, tự do cho Việt Nam, báo Quân đội Nhân dân (QĐND) đã đứng đầu chiến dịch chống phá liên tục từ đầu năm 2016.

Trong bài viết “Cần tỉnh táo trước những thủ đoạn phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV”, ngày 22/02/2016, QĐND viết: "Cần phải thấy rõ, với họ việc “tự ứng cử” không nhằm tham gia cuộc bầu cử với ý thức trách nhiệm của một công dân, mà chỉ với một mục tiêu duy nhất là gây rối, phá hoại cuộc bầu cử mà thôi. Chính họ cũng đã nói ra điều này, họ viết: Tự ứng cử là nhằm “Thực thi quyền ứng cử của mình, để phá bỏ “các thủ tục”, “mưu mẹo phi dân chủ” được thiết kế trong các khâu của quy định hiện hành như Hội nghị cử tri…”. Thực tế cho thấy tất cả những điều họ tung trên mạng chỉ nhằm xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta nói chung, Hiến pháp và pháp luật về bầu cử của Nhà nước ta nói riêng. Và mục tiêu cụ thể của họ là gây rối cuộc bầu cử vào sắp tới.” 

Khi nói về “Trang tin chính thức về kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam 2016” (Vận động Ứng cử Đại biểu Quốc hội 2016) của các Nhà báo tự do trong nước, tờ QĐND đã vạch lá tìm sâu trong bài “Một kiến nghị trái Hiến pháp”, ngày 07-03-2016 như sau:

“Trên mạng xã hội facebook gần đây xuất hiện một trang tự nhận là “Trang tin chính thức về kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam 2016. Nơi cung cấp các thông tin hữu ích về ứng cử, bầu cử dành cho các ứng viên tự do và cử tri”. Tuy nhiên, trang này không nêu rõ thuộc về một tổ chức hay cá nhân nào, hoạt động vì mục đích gì. Đặc biệt, nội dung của trang gần như trái ngược với tuyên bố của nó là “cung cấp thông tin hữu ích về ứng cử và bầu cử” mà chỉ đăng tải rất nhiều bài viết chứa đựng nội dung xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.”

Bài của QĐND nói thêm: "Trang này xuyên tạc bầu cử đại biểu Quốc hội. Họ kích động: “Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội 2016 lần này, đứng trên mặt Đảng mà xét, sẽ chẳng có thay đổi gì, vì cơ chế là do Đảng đề ra, luật là do Đảng đề ra, nhân sự, quần chúng cũng là do Đảng chỉ định, thuê mướn để diễn trò”. Họ cho rằng, đây là dịp duy nhất trong vòng 5 năm tới để “tham gia vào nền chính trị của Đảng, không phải để hy vọng sẽ thay thế được Đảng, mà đơn giản là để vạch trần “màn kịch dân chủ của Đảng”. Họ bày tỏ rõ ý định phá hoại cuộc bầu cử: "Hãy tranh cử để ít nhất là làm cho Đảng phải mệt hơn, tốn tiền đối phó."

Trong thực tế đảng CSVN đang bối rối trước cách vận động tranh cử bằng “báo mạng” (facebook) của phong trào tự ra ứng cử ở trong nước.

Từ trước tới nay, những người được đảng chọn cho ra ứng cử qua hình thức “hiệp thương” (hay chọn trước) của Mặt trận Tổ quốc không được phép đi vận động tranh cử như ở các nước dân chủ. Thậm chí họ cũng chẳng cần phải có chương trình tranh cử để vận động cử tri nên người dân đi bầu chỉ biết đảng bảo bỏ cho ai thì bỏ người ấy, chẳng ai dám chống lại.

Đó là hình thức “đảng cử dân bầu” đã nhàm chán, phản dân chủ và đi ngược lại trào lưu tiến hóa của nhân loại. Vì thế, khi phải đối diện với hình thức vận động tranh cử thật sự tự do và dân chủ hơn của những người tự ra ứng cử vào Quốc hội, qua cách dùng Internet để phổ biến rộng rải chương trình tranh cử thì đảng cuống lên lo đối phó.

Báo QĐND ngày 7/3/2016 phê bình: "Thực chất cái gọi là “vận động tranh cử qua mạng”? Cùng với việc tung tin, bài có nội dung xấu thì những trang mạng này còn tiến hành “vận động ứng cử qua mạng” cho một số người tự ứng cử. Trong đó, hoạt động tương đối rầm rộ là “xui” người tự ứng cử thu thập chữ ký ủng hộ hoặc đăng hình ảnh chứng minh thư lên trang cá nhân của người tự ứng cử đề bày tỏ sự ủng hộ."

Rồi báo này hỏi: "Việc làm này thực chất để làm gì?"

QĐND tự giải thích theo tuồng tích cũ: "Theo đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các quy định của pháp luật hiện hành không yêu cầu người ứng cử phải thu thập chữ ký ủng hộ của cử tri hay thu thập thông tin ủng hộ trên mạng.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND ở đơn vị nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (25 ngày trước ngày bầu cử) và kết thúc trước thời điểm bỏ phiếu 24 giờ. Về hình thức vận động bầu cử, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định hai hình thức: Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng chính thống.”

Có nghĩa là chuyện ứng cử và bầu cử đã có “nhà nước lo” từ kênh tổ chức tiếp xúc với cử tri, nhưng có mấy người đến dự, cho đến việc thông tin cũng phải qua báo đài nhà nước cho đúng khuôn phép như trước đây.

Vì vậy báo QĐND đã lên án gắt gao một số người tự ứng cử, qua các cuộc vận động trên Facebook, đã đòi thay đổi Hiến pháp, đặc biệt cần xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp dành độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội cho đảng CSVN.

Bài báo viết: "Trang mạng xã hội “Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016” chỉ là một trang facebook, không nêu thuộc về một tổ chức hay cá nhân nào nhưng hiện đang hoạt động như một tờ báo điện tử. Trang này còn ngang nhiên tiến hành cử người xưng là “phóng viên” đi phỏng vấn một số người tự ứng cử, trong đó phần lớn là những nhân vật “xã hội dân sự”. Sau khi phỏng vấn, các clip hoặc bài viết sẽ được đăng lên trang như một bài báo và tán phát đi nhiều trang khác, trong đó “cài” vào những nội dung xấu. 

Chẳng hạn, trong hai bài phỏng vấn một luật sư tự ứng cử, người xưng là phóng viên đều đặt câu hỏi đại ý: "Theo ông có cần xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp để cho cuộc bầu cử được tiến bộ hơn không?”. Người trả lời, tuy không trực tiếp nêu quan điểm nhưng cũng lòng vòng viện dẫn là phải thay đổi, qua đó thực chất phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng được hiến định trong Hiến pháp."

Rõ ràng trang báo điện tử của những nhà báo “Lề Dân” ở trong nước đang làm cho Ban Tuyên giáo Đảng điên cái đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 22/05/2016.

Do đó, tờ QĐND đã công khai yêu cầu phải điều tra và xử lý “Trang tin chính thức về kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam 2016” (Vận động Ứng cử Đại biểu Quốc hội 2016). 

Báo này viết: "Dù trang mạng kia không phải là cơ quan báo chí, cũng không phải là trang tin điện tử tổng hợp nhưng lại hoạt động báo chí, cử người đi phỏng vấn, viết bài, cung cấp nhiều thông tin sai sự thật, có nội dung xấu về bầu cử đại biểu Quốc hội. Đây là sai phạm cần được xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm."

QĐND cũng trích dẫn Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 4-1-2016 của Bộ Chính trị về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 đã chỉ thị phải: "Ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự."

Họ còn không ngần ngại kêu gọi: "Các cơ quan chức năng, trực tiếp là cơ quan an ninh cần sớm điều tra, làm rõ các hành vi sai phạm của trang mạng "Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016" cùng một số trang khác và các đối tượng liên quan. Trong đó, cần điều tra làm rõ cả động cơ, việc làm của những người xưng là phóng viên, người cộng tác; không để tán phát thông tin xấu, “gây nhiễu” và phá hoại bầu cử."

Như vậy rõ ràng là tuy Quốc hội chưa bầu mà Nhà nước đã tung ra chiến dịch vu khống để chống những người tự ứng cử vào Quốc hội.

Do đó lời cáo buộc vô căn cứ của đảng nói có “tổ chức phản động trong nước và nước ngoài hỗ trợ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri” đứng sau lưng những ứng cử viện độc lập, chẳng qua cũng chỉ để hù họa chứ chẳng đánh lừa được ai.

Nỗ lực của đảng, vì vậy, chỉ làm cho cuộc bầu cử ngày 22/05/2016 trơ trẽn thêm. -/-

(03/016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét