Hồn Nhiên (Danlambao) - Tôi vừa đọc xong phần 1 trong một bài viết mới nhất của Phạm Thanh Nghiên, một chị em đấu tranh của chúng ta đang ở trong quốc nội, tựa đề: Ba Sao Chi Mộ.
Nhập đề của bài viết đã làm cho máu trong người tôi như ngừng chảy, tim tôi như có ai bóp nghẹt. Tai tôi ù đi. Thật khó diễn đạt bằng lời. “Xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm hương trước tấm bia không mộ của 626 người tù chính trị đã chết trong nhà tù Ba Sao, Nam Hà giai đoạn 1975-1988. Và rất nhiều những người tù chính trị khác đã chết oan khiên trong ngục tù cộng sản….”
"Lời đầu
Lẽ ra, câu chuyện này phải được chúng ta kể cho nhau nghe một cách trọn vẹn. Tiếc rằng, vì một số lý do ngoài ý muốn, “người trong cuộc” đã ngừng sự giúp đỡ tôi nên việc thu thập, tìm hiểu thông tin đã bị gián đoạn.
Hơn nữa, xuất phát từ nhu cầu an toàn cá nhân của nhân chứng, nỗi lo về sự can thiệp hầu phá vỡ sự bình yên, tôn nghiêm của ngôi Chùa - nơi đặt tấm bia thờ 626 người tù chính trị nên người viết đã phải rất cân nhắc khi chuyển tải thông tin đến bạn đọc. Nhưng tôi tin, câu chuyện dù không được kể trọn vẹn như mong muốn cũng sẽ khiến chúng ta thấy xót xa cho Thân phận quê hương. Một Thân phận quê hương được phản chiếu từ Thân phận của những người con Việt bị bức tử bằng cách này hay cách khác trong một giai đoạn khốc liệt, đau thương nhất của lịch sử…”.
Vậy đó, một câu chuyện có thật, đã xảy ra trong quá khứ, mà không một ai hay biết. Những cái chết oan khiên đó không một ai chứng kiến, chỉ có duy nhất một người cai ngục, không biết vì lương tâm cắn rứt hay vì có những dấu hiệu báo ứng thuộc phạm trù duy tâm nên họ đã tiết lộ cho tác giả bài viết này những sự việc trên. 626 nhân mạng! Con số không hề nhỏ.
Đã có lúc tôi tự hỏi, tại sao con người đối xử với con người, nhất là những con người cùng chủng tộc, lại tàn nhẫn đến múc như vậy? Tại sao họ lại đang tâm cướp mạng sống của người khác mà không một chút áy náy, không một chút do dự? Nếu trên chiến trường thì tôi không nói làm gì, vì khi ra trận ta không giết địch thì địch cũng giết ta. Nhưng giai đoạn này là cuộc chiến đã kết thúc, và ban tuyên truyền của cs luôn kêu gọi “hãy hòa hợp hòa giải dân tộc” mà!
Đã có rất nhiều người chú bác của chúng ta vì tin lời tuyên truyền của cs mà mất hết nhà cửa ruộng vườn. Bài học về “Hợp Tác Xã, Kinh Tế Mới v.v... và v.v... luôn là những bài học nhớ đời. Vậy mà có những người mới ngày nào bán tháo bán đổ nhà cửa, chạy ra mướn bãi tổ chức vượt biên vượt biển để trốn ra nước ngoài, khi xuống tàu hai tay còn giơ nắm đấm chĩa về đất liền với lời tuyên bố: “Tao thề sẽ không bao giờ đội trời chung với vc tụi bây”, 10 năm sau, lời thề còn đó, nhưng họ vội vàng quên mất. Điều đáng nói là họ quên ngay những người bạn đồng đội đã vĩnh viễn vùi thân trong các trại tù Suối Máu, Hàm Tân, Ba Sao. Những cái chết oan nghiệt ấy đã có ai nhắc tới như một chút hoài niệm, xót thương chưa?
“Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, một trong những hành động đầu tiên mà chế độ cộng sản thực hiện là trả thù những người từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Hầu hết những cựu quân nhân cán chính, những viên chức từng làm việc trong chính quyền VNCH, hoặc bị nghi ngờ thuộc thành phần này đều bị đưa đi “cải tạo”, nhưng thực chất là chịu lưu đày tại các nhà tù trên khắp cả nước. Một trong những nơi khét tiếng tàn bạo ở miền Bắc, từng giam cầm hàng ngàn cựu quân nhân cán chính VNCH là nhà tù Ba Sao, Nam Hà.
Con tàu cuối cùng chở tù chính trị từ Nam ra Bắc có cái tên rất thơ mộng: Sông Hương. Rời Sài Gòn ngày 18/4/1977, sau 2 ngày 3 đêm (2), tàu cập bến Hải Phòng, tiếp tục hành trình lưu đày tù ngục của 1200 con người thuộc “bên thua cuộc”.
“Chúng tôi, cứ hai người bị chung một chiếc còng. Vừa lên đất liền, hai bên đường đã có người dân Miền Bắc đợi sẵn. Họ ném gạch đá vào chúng tôi. Vừa ném, vừa chửi rủa, mạ lỵ rất thậm tệ. Nhiều người trong số chúng tôi bị ném trúng, vỡ đầu, chảy máu và thương tích”.
Đấy là lời kể của ông Nam, một trong những người tù bị đẩy ra Bắc trong chuyến tàu Sông Hương. Khi cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam, ông Nam đang là thiếu úy quân đội VNCH. Chi tiết này cũng được Linh mục Nguyễn Hữu Lễ thuật lại trong cuốn hồi ký “Tôi phải sống”.”
Với lối viết tự sự, Phạm Thanh Nghiên đã sinh động hóa tình tiết của câu chuyện theo lời kể của nhân chứng sống là anh Nam, đã đưa chúng ta trở lại những năm tháng đầy máu và nước mắt trong một giai đoạn bi thảm của dân tộc. Và rõ ràng, đây là cả một chính sách phân biệt đối xử, một lối trả thù bài bản của những con người quá tiểu nhân.
Chế độ này được hình thành bởi những cái đầu quá thấp về trí tuệ và nhân cách, nên chuyện trả thù đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, sao cho những người ngã ngựa phải chịu đựng sống đau đớn, ngắt ngoải, sống không bằng chết, hầu thỏa mãn những thú tính của mình. Và điều chúng ta cần ghi nhận, chính đảng cs đã gây chia rẽ dân tộc sâu sắc khi dựng nên một màn đấu tố mệnh danh cái gọi là “quần chúng tự phát”. Mục đích là để gây tổn thương cho nạn nhân cả về tinh thần lẫn thể xác. Một lối nhục hình rất man rợ. Ngay đến bây giờ, những trò đó vẫn thường xuyên được lập lại đối với những người mà họ không ưa, không thích, như những anh em đấu tranh cho dân chủ, hay những người dân oan, v.v…
Đất mẹ VN đã một lần oằn vai trong bối cảnh chia lìa Nam, Bắc 1954, nhưng đất mẹ đã oằn vai thêm một lần nữa khi mảnh gian san cẩm tú của nước Đại Cồ Việt đang từ từ tuột khỏi tay mẹ. Những đứa tự nhận là con mẹ VN đã làm ô uế mảnh đất hình cong chữ S này. Chúng đã ngang nhiên rước giặc vào nhà, giày xéo lên mồ mả cha ông, ngang nhiên phóng uế trên bàn thờ của Mẹ. Thế thì chúng còn tư cách đâu mà bắt dân chúng phải tuân theo những điều nghịch lý chúng ban hành?
Hòa hợp hòa giải dân tộc là một điều đáng quý, nhưng không phải bằng phương thức thỏa hiệp với những việc làm trái đạo với trời, trái với lòng người, cần phải hiểu rõ khi nào chủ thuyết cộng sản tan biến đi, người dân thật sự làm chủ đất nước, lúc ấy mới tính tới việc hòa hợp hòa giải dân tộc.
Link bài viết của Phạm Thanh Nghiên:
- Ba Sao Chi Mộ 1
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét