Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Tự do ngôn luận ở Việt Nam: Blogger bị xử 5 năm tù

Blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh, bút danh "Anh Ba Sàm", ra trước tòa án Hà Nội.

Blogger Nguyễn Hữu Vinh đã bị kết án tù. Trong khi tòa đang xét xử thì bên ngoài xảy ra biểu tình phản đối.

Sven Hansen * Đặng Hà (Danlambao) dịch - Một Blogger nổi tiếng ở Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Vinh, với bút danh Anh Ba Sàm đã bị kết án 5 năm tù giam vào ngày thứ Tư ở Hà Nội. Cộng tác viên của ông ta, cô Nguyễn Thị Minh Thúy nhận bản án 3 năm tù giam. Cả hai đã bị giam giữ từ tháng Năm 2014. Viện Kiểm sát còn đòi xử họ một mức án cao hơn, thêm 1 năm đối với mỗi bị cáo.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kết luận cả hai đã phạm tội "lợi dụng quyền tự do dân chủ" chiếu theo điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Điều luật này dự trù mức án phạt tối đa đến 7 năm tù giam và thường được nhà chức trách sử dụng để bịt miệng các Bloggers chỉ trích chính phủ. 

"Đây là một bản án nặng nề", ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc điều hành phân bộ Đức của tổ chức nhân quyền "Veto! Mạng lưới những Người Bảo vệ Nhân quyền" bình luận. "Điều này cho thấy, Việt Nam vẫn còn là kẻ thù của tự do ngôn luận và tự do báo chí."

Ông Vinh và cộng tác viên của ông ta đã bị cáo buộc về 24 bài viết đăng trên 2 trang Blogs "bất hợp pháp". Cả hai tuyên bố mình vô tội và những bài viết này cũng không phải là của họ.

Một nữ nhân chứng gỡ tội không được tòa chấp thuận

Tòa án không hề quan tâm đến điều này. Một nữ nhân chứng gỡ tội đã tuyên bố cô là tác giả của 2 trong số những bài viết nêu trên, nhưng cô không được tòa chấp thuận. Tệ hơn nữa, tòa đã thực hiện xét xử chóng vánh chỉ trong vòng vài giờ. "Những chứng cứ rất mỏng manh và đầy kẽ hở", ông Dụng cho biết.

Dù phạm vi quanh tòa án bị chính quyền phong tỏa rất rộng nhưng đã có khoảng một trăm người tụ họp biểu tình trước tòa án để ủng hộ các bị cáo. Ông Dụng nhận xét: "Đó là điều khác thường. Sự hiện diện của nhiều nhân sỹ trí thức và các nhà hoạt động dân quyền tại cuộc biểu tình này cho thấy ông Vinh có uy tín và những trang Blogs của ông được hâm mộ."

Ban đầu công an đã để yên cho họ biểu tình phản đối. Tuy nhiên sau đó công an đã giải tán đoàn biểu tình và bắt tạm giữ hai người. 


Các đơn xin tham dự phiên tòa với tư cách quan sát viên của Đại sứ quán Đức cũng như của ông Martin Patzelt, Nghị sỹ Quốc hội Liên bang Đức thuộc đảng CDU đã bị từ chối, theo lời đương sự. Tuy nhiên đối với các nước Hoa Kỳ, Úc, Gia-nã-đại và Liên Âu mỗi quốc gia được một quan sát viên vào phòng xử án.

Ông Patzelt là thành viên của Ủy ban Nhân quyền và Giúp đỡ Nhân đạo thuộc Quốc hội Liên bang Đức và là cựu thị trưởng thành phố Frankfurt/Oder. Trong khuôn khổ của chương trình giúp đỡ các nhà đấu tranh cho nhân quyền trên khắp thế giới của Quốc hội Liên bang, ông nhận làm người đỡ đầu cho ông Vinh và ông đã bay sang Hà Nội chỉ vì phiên tòa xét xử ông Vinh.

Ông Patzelt giải thích với nhật báo Taz qua điện thoại rằng ông đã đệ đơn xin tham dự phiên tòa với tư cách quan sát viên từ 2 tháng trước, và mặc dù ông đã nhiều lần hỏi lại nhưng cho tới tận buổi chiều ngày trước phiên xử người ta vẫn trì hoãn trả lời đơn xin của ông: "Rồi thì đơn bị từ chối với lý do là thiếu chỗ, nhưng theo vị đại diện Liên Âu cho biết, trong phòng xử án vẫn còn những chỗ trống."

Việt Nam không phải là CHDC Đức (chú thích của người dịch: nước cộng sản Đông Đức trước kia)

Cho nên ông Patzelt đã đứng cùng với những người biểu tình ở trước khu vực tòa án bị công an phong tỏa. "Tôi ngưỡng mộ lòng can đảm của những người này vì họ không e ngại nguy hiểm," ông tường thuật. Tuy nhiên ông không chỉ ngạc nhiên về sự bất tuân dân sự của người biểu tình, mà cũng ngạc nhiên về việc đảng CSVN độc tài cầm quyền còn thả lỏng tương đối nhiều (cho đoàn biểu tình). "Điều này dường như không thể có được ở CHDC Đức", theo lời ông Patzelt.

Nghị sỹ Patzelt gọi phiên xử này là “bị giật dây” và “không tuân thủ những quy định của nhà nước pháp quyền”. "Không có một viên chức chính thức nào gặp tôi đã có thể định nghĩa cho tôi thế nào là lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Ngược lại, họ luôn luôn nhấn mạnh rằng việc xử đã làm đúng theo luật pháp. Nhưng không ai nói ra rằng chính luật pháp mới là vấn đề", ông Patzelt phát biểu. 

Truyền thông ở Việt Nam bị đảng CSVN kiểm soát và kiểm duyệt. Các Bloggers thường xuyên bị bắt bớ khi họ đưa ra lời chỉ trích. "Chúng tôi yêu cầu trả tự do cho ông Vinh và bà Thúy vì họ đã chỉ sử dụng các quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của họ", ông Dụng của Veto! tuyên bố. Ông cũng lưu ý rằng Việt Nam đang là thành viên của Ủy hội Nhân quyền Liên hợp quốc (chú thích của người dịch: từ năm 2006 Ủy hội Nhân quyền Liên hợp quốc đã được thay thế bằng Hội đồng Nhân quyền LHQ), nhưng lại vi phạm luật pháp quốc tế bằng những phiên xử như thế này. 

Ông Vinh, người vừa bị kết án, là đảng viên đảng CSVN. Ông là con của một cựu bộ trưởng và Đại sứ ở Liên Xô. Ông từng là sỹ quan công an trước khi ông thành lập một hãng thám tử tư và bắt đầu viết Blogs. 


Bài của ký giả Sven Hansen đăng trên nhật báo taz ở thủ đô Berlin Đức quốc, số ra ngày 23.03.2016 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét