Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Ngày thứ 2 phiên xử lại vụ công an xã đánh chết học sinh lớp 9

Làm rõ hành vi bắt người trái pháp luật của công an xã Vạn Long theo lời khai của những người có liên quan đến vụ án em Tu Ngọc Thạch (1999) chết sau khi bị bắt về trụ sở công an xã

CTV Danlambao - Sáng 22/3/2016, chủ tọa Phiên tòa sơ thẩm (lần 2) công an xã đánh chết học sinh lớp 9, HĐXX và luật sư các bên tiếp tục xét hỏi đến trách nhiệm của những người có liên quan đến vụ bắt giữ.

Học sinh Tu Ngọc Thạch (14 tuổi) tại thời điểm bị bắt giữ, bị đánh đập, bị hỏi cung tại trụ sở công an xã Vạn Long mà không hề có người giám hộ bên cạnh.

Ông Võ Văn Long, trưởng công an xã nhận được thông tin từ hai công an viên Phát và Tâm về việc bắt người và việc Thạch bị Phát đánh đã không có ý kiến xử lý vụ việc ngay tại thời điểm ấy.

Ông Long cũng yêu cầu anh Tu Ngọc Thanh (anh trai nạn nhân Thạch) vào trụ sở viết bảo lãnh người thân theo chỉ định của công an.

LS Trần Văn Đạt và LS Nguyễn Khả Thành yêu cầu ông Long nhận rõ trách nhiệm khi để xảy ra việc bắt người trái pháp luật và lý do vì sao công an yêu cầu gia đình viết bảo lãnh cho Tu Ngọc Thạch sau khi đã xác định Thạch là nạn nhân bị bị cáo Lê Văn Khỏe ném vỏ chai trúng phía sau đầu?

Tu Ngọc Thạch bị bắt về công an xã trong tình trạng đầy bùn đất trên người và bị công an viên Lê Minh Phát đánh đập nhiều lần nhưng trong các biên bản lấy lời khai đều không thể hiện vấn đề này.

Chị Nguyễn Diệu Hoa, một người dân có mặt tại hiện trường vụ án hôm 29/12/2013 cho hay: Lúc nãy khi tòa đưa ra vật chứng là cái vỏ chai em thấy không đúng. Hôm đó em đi uống nước mía ở quán bà Sương ngay sau đó em thấy rõ ràng ông Nho (người làm ở Mặt trận Tổ quốc xã) đã sai vợ ổng ra hốt mảnh chai bể đi quăng vì sợ con nít ném trúng. Cái chai bị bể không phải nát như lúc nãy toà đưa.

Liên quan đến vật chứng trước toà, lời khai của các nhân chứng cũng không trùng khớp.

Hai công an Ninh và Long khai việc thu nhận vật chứng từ bà Sương chủ quán vào ngày 30/3/2012 (một ngày sau khi sự việc xảy ra), trong khi biên bản thu giữ được lập ngày 29/12/2013.

Các công an viên được triệu tập hôm nay gồm công an Ninh, Võ Văn Long, Huỳnh Thuận Thắng trước toà đều không nhận trách nhiệm có liên quan đến quy trình bắt giữ nạn nhân Tu Ngọc Thạch.


Công an viên Huỳnh Thuận Thắng đang trả lời chất vấn 
trước toà về quy trình bắt giữ nạn nhân Tu Ngọc Thạch
(ảnh CTV Danlambao)

Các công an viên được triệu tập trong ngày hôm nay không trả lời được trước toà lý do vì sao tiến hành bắt giữ Tu Ngọc Thạch khi em là nạn nhân của vụ xô xát. Cũng không ai trả lời được câu hỏi nhận thức trách nhiệm thế nào khi tiến hành hỏi cung người dưới tuổi vị thành niên mà không có người giám hộ bên cạnh.

Liệu công lý có được thực thi?

Phát biểu trước hội đồng xét xử, bà Nguyễn Thị Độc Lập (mẹ nạn nhân Tu Ngọc Thạch) cho biết gia đình không có yêu cầu gì ngoài các khoản đền bù đã được thống nhất trong biên bản là 211 triệu đồng. Cả cha và mẹ nạn nhân đều đề nghị toà xét xử đúng người đúng tội, và cả ba bị cáo Tâm, Phát, Khoẻ đều phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho gia đình.

Bà Nguyễn Thị Độc Lập
(mẹ nạn nhân Tu Ngọc Thạch).
Ảnh CTV Danlambao

Chia sẻ thêm với CTV Danlambao bà Lập cho hay: “Tôi muốn toà xử đúng người đúng tội. Con tôi không phải đứa trộm cắp hay phá làng phá xóm. Cháu cũng không thể chết vì bị một cái chai ném trúng hay bị đấm đá mấy cái. Sự thật là cháu đã chết vì bị nhiều tác động khác nhau.

Ai sai tới đâu đề nghị toà xử nghiêm đến đó. Luật pháp cũng có quy định rồi, không phải con mình chết thì mình đòi bồi thường bao nhiêu thì đòi.

Trước đây, họ cứ nghĩ gia đình tôi không biết luật nên muốn nói sao thì nói. Phiên toà này còn để gia đình được ý kiến, được nói hết ý chứ phiên toà trước bà thẩm phán Cúc không cho người chứng nói gì hết.

Gia đình chúng tôi cũng cám ơn các luật sư đã tận tình giúp đỡ gia đình rất nhiều. Lúc con tôi mới chết, chúng tôi có hỏi luật sư thì các luật sư đòi 12 triệu hợp đồng gì gì đó, lúc đó con tôi mới chết, gia đình không có tiền, hai vợ chồng tôi đang đi làm thuê trong Sài Gòn thì hay tin dữ nên chạy về.

Ở phiên toà trước, lúc đó tôi nghĩ con mình chết rồi, sự việc không biết đến đâu thì tiền đâu mà lo cho luật sư cho phiên toà được. May mắn là chúng tôi được các luật sư hiện nay trợ giúp đến tận bây giờ mà không nhận bất kỳ cái gì của gia đình. Tôi mong toà xử đúng tội mà pháp luật quy định, nếu gia đình và người gây chuyện mà hối lỗi thì chúng tôi còn xem xét để xin giảm nhẹ hình phạt”.

Bà Nguyễn Thị Độc Lập (mẹ nạn nhân Tu Ngọc Thạch). Ảnh CTV Danlambao

Cả ba luật sư hiện đang đại diện pháp lý cho gia đình nạn nhân Tu Ngọc Thạch là LS Nguyễn Khả Thành, LS Võ An Đôn (Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên), LS Trần Văn Đạt (Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận). 

Chia sẻ thêm bên lề phiên toà LS Võ An Đôn cho hay: Có tới hai phó công an xã (ông Huỳnh Thuận Thắng, và bị cáo Lê Ngọc Tâm) và trưởng công an xã Vạn Long (ông Võ Văn Hoà) liên quan đến việc bắt giữ người trái pháp luật và hỏi cung người dưới tuổi vị thành niên không có người giám hộ. Đây là việc cần phải làm rõ để làm gương cho các trường hợp bắt giữ tuỳ tiện sau này.

Từ trái qua phải: LS Trần Văn Đạt - LS Nguyễn Khả Thành - LS Võ An Đôn. 3 luật sư bào chữa miễn phí cho gia đình em Tu Ngọc Thạch. Ảnh: CTV Danlambao.

Bị cáo Lê Minh Phát, nguyên công an xã Vạn Long, người đã bắt giữ đánh đấm em Tu Ngọc Thạch đến chết. Ảnh CTV Danlambao

Nước mắt người thân của nạn nhân Tu Ngọc Thạch khi nghe HĐXX hỏi lại về quá trình đánh đập, bắt giữ và trách nhiệm đền bù thiệt hại của gia đình các bị cáo. Ảnh CTV Danlambao

Dân Làm Báo sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật diễn biến của phiên toà ngày mai cùng bạn đọc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét