Mẹ Nấm (Danlambao) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 31/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn, bên cạnh việc công khai tuyên bố những ai phản đối mối quan hệ “16 vàng 4 tốt” là “thế lực thù địch”, lãnh đạo hai đảng Cộng sản độc tài Việt Nam – Trung Quốc còn có nhiều hoạt động củng cố “lòng tin chính trị”.
Ngoài việc tổ chức tuần tra chung giữa lực lượng biên phòng hai nước tại đoạn biên giới giữa mốc 1222 và 1223 thuộc địa bàn đồn Biên phòng Chi Ma (Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn, Việt Nam), lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cũng có lời chủ động mời tàu Trung Quốc thăm cảng Cam Ranh.
Cuộc giao lưu hữu nghị quốc phòng Việt-Trung, theo lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhằm “chú trọng xây dựng mối quan hệ quốc phòng thực chất để phát triển những mối quan hệ khác, đem lại hòa bình ổn định, lòng tin chính trị và lợi ích cho nhân dân hai nước.” (*)
Trong khuôn khổ bài trả lời phỏng vấn trên báo Vietnamnet ngày 29/3/2016, người ta chỉ thấy ông Vịnh nhắc đến họp tác biên giới trên bộ, và vịnh Bắc Bộ.
Không một dòng nhắc đến biển đảo và những gì đã diễn ra với ngư dân Việt Nam.
Lòng tin chính trị là gì?
Làm sao phải “xây dựng lòng tin thực chất giữa hai quân đội”?
Và những sự kiện biên giới 1979, Gạc Ma 1988, Phú Lâm (Hoàng Sa), Vành Khăn (Trường Sa)... không đủ để khẳng định điều gì về lãnh thổ, về chủ quyền dân tộc sao?
Cảng Cam Ranh trước đây luôn được xem là một vị trí quan trọng bởi đây là một trong những cảng nước sâu lý tưởng nhất thế giới thích hợp cho mọi loại tàu chiến - kể cả tàu sân bay.
Hết nóc nhà chiến lược Tây Nguyên bây giờ đến ban công trọng yếu Cam Ranh được chính lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam mở toang cửa đón bạn vàng vào nhà.
Việt Nam đã và đang tiếp tục trở thành sân nhà và ao cá của Tàu cộng trên mọi yết hầu của tổ quốc.
Ngược lại, các quốc gia láng giềng thì lại có thái độ hoàn toàn khác hẳn. Trong ván cờ chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông, các nước trong khu vực đã có nhiều động thái khác nhau để bảo vệ lãnh thổ, tự vệ quốc phòng.
Philippines đã đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Indonesia có thái độ cứng rắn khi triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để yêu cầu giải trình về việc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Indonesia bởi tàu cá và tàu hải giám.
Nhật Bản khánh thành trạm radar trên đảo Yonaguni để thắt chặt vòng vây mở rộng ra biển về hướng đông của Trung Quốc.
Còn Việt Nam làm gì?
Người dân Việt Nam hàng ngày còn phải đón đọc tin an ninh quốc phòng trên biển, qua công bố của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc..
Người dân Việt Nam còn không có quyền đứng trước đại sứ quán Trung Quốc để phản đối hành vi bắn giết, cướp bóc đồng bào mình.
Người dân Việt Nam phải bảo vệ tổ quốc bằng những con thuyền nhỏ bé trước phong ba hải tặc phương Bắc trong chủ trương “bám biển để giữ chủ quyền”.
Ngay cả mặc áo có hàng chữ HS-TS-VN cũng đối diện với nguy cơ vào tù vì lợi dụng quyền tự do dân chủ (thật sự là lòng yêu nước) để chống đối chế độ (không biết chế độ nào - ở Ba Đình hay ở Bắc Kinh).
Và lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam thì tay bắt mặt mừng hữu hảo xây dựng quan hệ, củng cố lòng tin chính trị.
Kể từ sau Hội nghị Thành Đô 1990 đến nay, cùng với các động thái chính trường sau đại hội đảng XII, một lần nữa, mối quan hệ lợi ích giữa hai đảng lãnh đạo độc tài đang được các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cụ thể hóa bằng các hoạt động ngoại giao.
30.03.2016
_____________________________________
Chú thích:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét