Chu Chi Nam (Danlambao) - Gần đây một số biến cố chính trị, quân sự đã xảy ra: Trung cộng đặt dàn hỏa tiễn trên những hòn đảo đã đánh chiếm của Việt nam, thành lập viện luật học về hàng hải để trả lời việc Phi luật tân kiện Trung cộng ra Tòa án quốc tế, việc Nhật bản tập trận với Phi luật tân, gửi một chiếc tàu ngầm với 4 chiếc tàu hộ tống đi ngang sát qua những hòn đảo tranh chấp, rồi sau đó sẽ viếng thăm vịnh Cam ranh của Việt Nam. Trong khi đó thì Hoa Kỳ luôn tuyên bố là bằng mọi giá để bảo vệ luật hàng hải quốc tế.
Những sự kiện đó làm cho nhiều người nghĩ rằng Biển Đông đang dậy sóng, chiến tranh sẽ xẩy ra. Và cũng từ đó có nhiều bài bình luận. Có người cho rằng nhất quyết đại chiến thứ Ba sẽ xẩy ra. Người khác thì cho rằng chiến tranh sẽ xẩy ra, nhưng không ở mức độ thế chiến, mà ở mức độ vùng. Người thì lạc quan, nghĩ rằng: "Tất cả những biến cố trên chỉ là những cơn sóng gió trong một cái ly nước."
Thế chiến sẽ xảy ra.
Những người đưa ra giả thuyết này không phải là họ không có lý, vì họ cũng viện chứng lịch sử, không cần phải lịch sử xa xưa, mà là lịch sử cận đại, Đệ Nhị thế chiến (1939-1945).
Đệ Nhị thế chiến xảy ra sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 1929-1933, làm cho kinh tế Đức đã khó khăn vì phải trả nợ chiến tranh, lại trở nên khó khăn thêm, tạo ra những bất mãn trong dân. Lợi dụng tình thế đó, Hitler đã chủ trương tinh thần quốc gia cực đoan, đánh đúng tâm lý của dân Đức, đưa ông lên nắm quyền, dẫn đến chiến tranh.
Có người so sánh tình trạng thế giới hiện nay với tình trạng trước thế chiến. Tất nhiên nó không thể nào giống như hai giọt nước, nhưng cũng có những điểm tương đồng.
Thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Hoa Kỳ đã gượng dậy, nhưng vẫn còn trong tình trạng dưỡng bệnh. Trong khi đó thì toàn thế giới, nhất là khối Âu châu, vẫn còn đang ì ạch khôi phục lại kinh tế. Khi kinh tế khó khăn thì tinh thần quốc gia cực đoan, cả 2 phía tả và hữu, nổi dậy. Những đảng cực tả hay cực hữu đã sống lại, hoạt động mạnh ở Âu châu, và ngay cả ở Hoa Kỳ. Hiện tượng Donald Trump là một thí dụ điển hình.
Khi khuynh hướng cực tả hay cực hữu mạnh, thì tinh thần quốc gia cực đoan cũng trở nên mạnh, đưa đến chiến tranh kinh tế, lập hàng rào quan thuế, không những ngăn cấm tự do mậu dịch, mà cả tự do đi lại.
Có chiến tranh kinh tế thì sớm muộn sẽ dẫn đến chiến tranh quân sự.
Lúc đầu người ta nghĩ rằng Trung cộng là một ngoại lệ, không bị cuốn hút bởi cuộc khủng hoảng 2008. Và một số nhà kinh tế, có cái nhìn thiển cận, không suy luận cho tới nơi tới chốn, còn ca tụng mô hình không những phát triển kinh tế, mà cả mô hình tổ chức chính trị của Trung cộng là ưu việt.
Một lý luận đơn giản, đó là kinh tế Trung cộng phần lớn, ít ra là 1/3 dựa vào xuất cảng, mà nhiều nhất là sang Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản. Nay những nước này bị khủng hoảng, thì lẽ tất nhiên là kéo theo Trung cộng.
Tuy nhiên vì tăng trưởng mạnh trong một thời gian lâu, dự trữ tiền bạc và dự trữ ngoại tệ ở mức độ cao, có lúc lên tới 4850 tỷ $, nên Trung cộng đã dấu diếm cuộc khủng hoảng bằng cách bơm tiền vào cứu kinh tế. Bằng cớ là ngay sau năm 2008, tức 2009, Trung cộng đã bơm vào kinh tế khoảng 4000 tỷ Nhân dân tệ, tức 645 tỷ $.
Rồi 3 năm sau, 2012, Trung cộng cũng bơm một lượng tiền như vậy, để cứu kinh tế hay đúng ra là cứu những hãng xưởng quốc doanh. Tuy nhiên mô hình phát triển qua những hãng xưởng quốc doanh từ thời Đặng Tiểu Bình, nay đã trở nên lỗi thời. Vào tháng 9 năm 2015, số xuất cảng so với cùng thời kỳ năm trước đã giảm 13% với Nhật, 12% với Âu châu và 8% với Mỹ. Theo đài VOA ngày 26.03.2016, trị giá hàng xuất khẩu của Trung cộng trong tháng 2 tuột dốc 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 126,1 tỉ đôla, trong khi trị giá hàng nhập khẩu giảm xuống 13,8%, xuống còn 93,5 tỉ đôla, đánh dấu tháng thứ 16 liên tiếp có sụt giảm trong lĩnh vực này.
Người ta không thể nói là kinh tế Trung cộng hiện nay là không khủng hoảng: từ việc thị trường chứng khoán tụt dốc tháng 8/2015, làm mất 3600 tỷ $, đến việc đồng Nhân dân tệ bị chao đảo. Thủ tướng Trung cộng Lý khắc Cường cố trấn an thế giới, nhưng ít người tin, nhất là dân Trung cộng.
Như trên đã nói, một khi kinh tế khó khăn thì tinh thần quốc gia cực đoan nổi lên, không những đối với dân mà cả giới lãnh đạo.
Đó là trường hợp của Tập Cận Bình: hô hào trở về tinh thần đại Hán, thiết lập lại con Đường Tơ lụa cả trên đất liền và ở ngoài biển, trở về chính sách bế quan tỏa cảng, cấm tư tưởng ngoại quốc, ruồng bắt những nhà đối lập, những luật sư, trí thức. Những người bị bắt giữ, giam cầm lên cao nhất với thời họ Tập.
Chính vì vậy mà có người ví Tập cận Bình là Hitler thứ nhì. Và từ đó dẫn đến thế chiến cũng không phải xa.
Giả thuyết cho rằng nếu có chiến tranh thì chỉ là chiến tranh cục bộ, trong vùng.
Những người đưa ra giả thuyết này cũng dẫn chứng lịch sử, cũng dựa vào Đệ Nhị Thế Chiến, trường hợp Nhật Bản.
Nhật Bản vào thời đó là một cường quốc mới canh tân, nhưng đã thành công. Người ta còn nhớ vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, chiến thuyền Y Pha Nho và Pháp bắn vào cửa Đà Nẵng của Việt Nam, năm 1847. Đồng thời chiến thuyền Hoa Kỳ cũng bắn phá một vài hòn đảo, ép Nhật phải mở cửa buôn bán. Trước đó, thì ở Tàu có Chiến tranh Nha phiến, hải quân Anh đã đánh 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, bắt Tổng đốc Lưỡng là Quảng Lâm Tắc Từ sang an trí ở Ấn Độ, và bắt ép chính quyền Mãn Thanh lúc bấy giờ phải nhượng Hồng Kông trong vòng 150 năm, đúng vào năm 1847, vì Hông Kông được trao trả lại là vào năm 1997.
Cả 3 nước ít hay nhiều đều ý thức được rằng mình bị tụt hậu so với tây phương, nên tìm cách canh tân. Nhưng chỉ có mình Nhật thành công.
Hãnh diện về sự thành công của mình, nên Nhật có ý đồ bành trướng. Đầu tiên là thử sức mạnh quân đội, nhất là về hải quân, qua hai trận với Tàu của thời Mãn Thanh, năm 1894 và 1895, rồi với Nga, vào năm 1905. Nhật đã chiến thắng cả 3 trận hải chiến này.
Từ đó tinh thần quân phiệt và bành trướng của Nhật càng ngày càng mạnh. Năm 1933 Nhật đánh chiếm Mãn châu. Sau đó thì sẵn sàng lao vào trận Đệ Nhị Thế chiến để thực hiện mộng đế bá của mình. Thêm vào đó, khi thấy Nhật hung hăng, Hoa Kỳ cấm vận Nhật, tuyệt đường hàng hải, con đường sống còn của Nhật, vì nước Nhật là nước "cày lên núi lửa và động đất", không có tài nguyên và dầu khí. 90% là do nhập cảng bằng đường biển. Vì thế nên con đường hàng hải biển đông là con đường huyết mạch, sống còn của Nhật.
Theo những người chủ trương giả thuyết này, thì nếu Trung cộng kiểm soát con đường này, như họ thường tuyên bố, ngăn cản ngoại thương của Nhật, thì Nhật bắt buộc phải khai chiến với Trung cộng.
Có dẫn theo nước khác và kéo Hoa Kỳ vào hay không? Câu trả lời là còn tùy theo hoàn cảnh và diễn tiến cuộc chiến, nếu nó xảy ra. Thường thì Hoa Kỳ chỉ nhảy vào khi cuộc chiến gần ngã ngũ, như kinh nghiệm Đệ Nhất và Đệ Nhị thế chiến.
Chiến tranh nếu xảy ra, thì lúc đầu còn ở mức độ vùng là vì vậy.
Giả thuyết qua hình ảnh những cơn bão táp trong một chiếc ly nước, có nghĩa là những biến động hiện nay rồi cũng chẳng đi đến đâu.
Những người tin vào giả thuyết này cũng dẫn chứng lịch sử, không phải là lịch sử cận đại, Đệ Nhị thế Chiến, mà lịch sử hiện đại.
Người ta còn nhớ vào năm 2000, khi Georges W. Bush (con) vừa mới nhậm chức, thì có vụ đụng giữa một chiếc máy bay Hoa Kỳ và 2 chiếc máy bay Trung cộng, đi đến việc 2 chiếc máy bay Trung cộng rớt xuống biển, phi công bị mất tích. Trong khi đó thì máy bay Hoa Kỳ phải buộc hạ cánh xuống đảo Hải Nam, viên phi công nhảy dù ra được và bị bắt.
Trung cộng đã tố cáo Hoa Kỳ là vi phạm không phận, bắt phải xin lỗi.
Sự việc cũng gây lo ngại, có người nghĩ là chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung cộng sẽ xảy ra, vì thực tế đã xảy ra rồi, có đụng độ và có người chết hay mất tích.
Tuy nhiên biến cố đã được dàn xếp: Dàn xếp nhờ ở những nhà ngoại giao trong Tòa Đại sứ Hoa Kỳ từ thời Georges Bush cha, có những liên hệ sâu đậm với chính giới Trung cộng, trong đó có một nhà ngoại giao và cũng đồng thời là thông dịch viên. Chúng ta cũng biết là Georges Bush (cha) là người đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Trung cộng từ khi Mao lên nắm chính quyền năm 1949.
Nhà ngoại giao và thông dịch đó đã dịch từ câu "We are sorry about the accident" ra tiếng Tàu thành câu "Chúng tôi xin lỗi về biến cố", đủ để cho chính quyền Trung cộng dùng câu tiếng Tàu để lửa dối dân. Vì theo nguyên tắc, câu đó phải dịch là "Chúng tôi lấy làm tiếc cho biến cố".
Từ đó bang giao giữa Trung cộng và Hoa Kỳ suốt trong 2 nhiệm kỳ của Bush (con), không những không xấu đi mà còn gia tăng.
Vì vậy, những người đưa ra hình ảnh những cơn sóng gió trong chiếc ly nước, những người này họ cũng có lý của họ.
Tuy nhiên, về phía chúng ta, chúng ta nghĩ gì về 3 giả thuyết trên?
Về 3 giả thuyết, giả thuyết thứ nhất rất khó xẩy ra. Giả thuyết thứ hai thì đã xẩy ra từ lâu, vì nếu nói Thái Bình dương bao gồm cả lục địa thì chiến tranh đã xẩy ra ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh Triều Tiên, rồi Chiến tranh giữa những người Cộng sản: CSVN gửi quân sang đánh Cam Bốt của Pol Pot năm 1978, Trung cộng dạy cho Việt Nam một bài học năm 1979, gửi quân chiếm 1 số hòn đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, mặc dầu năm 1974 đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, với sự khoanh tay ngồi nhìn của Hoa Kỳ. Rồi tiếp tục cho tới ngày hôm nay, gửi những dàn hỏa tiễn tới những hòn đảo nhân tạo, đã chiếm của Việt Nam.
Hoa Kỳ có phản ứng mạnh hay không hay cũng chỉ là tuyên bố cứng rắn miệng, nhất là đối với CSVN, một phường "Ăn cháo đái bát", như Đặng Tiểu Bình tuyên bố, khi dạy cho CSVN một bài học, vì Hoa Kỳ cũng còn chưa tin tưởng CSVN, nay tuyên bố thế này, mai thế nọ.
Những biến cố ở Biển Đông, nhất là giữa CSVN và Trung cộng, Hoa Kỳ chỉ nhìn dưới con mắt "Những cơn bão tố trong một ly nước"?
Nay chúng ta xét sơ về 3 giả thuyết:
Giả thuyết thứ nhất "Đại Chiến thứ 3 sẽ xảy ra giữa Hoa Kỳ và Trung cộng", đồng thời kéo theo một số nước đồng minh ở mỗi bên.
Giả thuyết này rất khó xảy ra, vì một số lý do sau đây:
- Cán cân quân sự quá thiên lệch có lợi cho Hoa Kỳ. Điều này Trung cộng cũng ý thức rất rõ. Võ khí trung cộng hiện nay là từ 90 tới 95% hoặc mua lại hay sao chép từ Nga. Ngày xưa Liên Sô đã không dám đối đầu với Mỹ, huống hồ Trung cộng với võ khí phần lớn sao chép của Liên Sô.
Trong thời gian Chiến tranh Lạnh gần nửa thế kỷ và sau Chiến tranh Lạnh cho tới ngày hôm nay, Hoa Kỳ - Liên Sô không trực tiếp đối đầu nhau, nhưng đã gián tiếp, qua một số trận lớn. Trong những trận đó, trận thử lửa tiêu biểu đối đầu về võ khí, phải nói đến trận Chiến tranh Irak, thời Bush (con) từ ngày 20/3 tới 1/5/2003. Hoa Kỳ đã dồn hết lực lượng quân sự của mình, không quân, hải quân, thiết giáp. Nga Sô không tham chiến, nhưng người ta có thể nói tất cả những vũ khí của Sadam Hussein, từ hải lục, không quân, thiết giáp, đều là đến từ Nga tức Liên Sô cũ.
Hoa Kỳ cũng không đổi chiến thuật, chiến lược như đã dùng vào thời chiến tranh Kuwait, thời Bush cha. Đó là khởi đầu dùng máy bay tàng hình Awacs làm nhiễu xạ những tần sóng của đối phương, khiến họ không thể liên lạc với nhau, cấp trên không thể ra lệnh cho cấp dưới, cấp dưới không thể xin lệnh từ cấp trên; sau đó dùng hỏa tiễn Tomahawk tiêu diệt tất cả những trung tâm đầu não. Tiếp đến là dùng máy bay oanh tạc tất cả những phi trường, cày nát những phi đạo và những hầm chứa máy bay.
Một khi họ xác nhận được rằng những làn sóng đã bị phá, những trung tâm chỉ huy đầu não đã bị oanh tạc, những phi trường, đường bay bị cày nát, biết chắc chắn họ làm chủ không phận, lúc đó họ mới ra lệnh cho thiết giáp tiến quân.
Có lẽ trong lịch sử quân đội nhân loại, chưa có một trận chiến thiết giáp nào vĩ đại như trận Irak: Mỗi bên cho tham chiến cả ngàn chiến xa, một bãi chiến trường rộng lớn trên sa mạc. Sadam Hussein tin tưởng ở lực lượng thiết giáp của mình, nghĩ rằng chắc chắn sẽ bảo vệ được Irak và nhất là Thủ đô Bagdad.
Tuy nhiên trận chiến xẩy ra chớp nhoáng, mặc dầu về số lượng hai bên coi như ngang nhau, nhưng về phẩm, thì nghiêng hẳn về Hoa Kỳ, đúng như lời Đức Trần hưng Đạo khi xưa đã nói: "Quân không cần đông, nhưng cần tinh nhuệ; vũ khí không cần nhiều, nhưng cần sắc bén."
Xe tăng của Nga vừa nặng, vừa chạy chậm so với Hoa Kỳ, chỗ ngồi dành cho người lái và người sử dụng súng rất là chật hẹp, khó xoay xở, chưa được điện toán hóa. Trong khi đó, xe tăng của Hoa Kỳ tuy nhỏ hơn một chút, nhưng chạy nhanh, hoàn toàn điện toán hóa, người xạ thủ chỉ cần nhìn vào màn hình, khi thấy xe tăng địch, chỉ cần bấm cái nút là có thể bắn địch thủ ở mọi phía, súng máy tự điều khiển.
Chính vì vậy nên mới bắt đầu cuộc chiến, phía Hoa Kỳ đã nắm ưu thế. Thêm vào đó họ lại làm chủ không phận, với đoàn máy bay trực thăng Apache, được mệnh danh là máy bay săn lùng chiến xa, đã dùng hỏa tiễn, tiêu diệt chiến xa địch.
Một khi họ xác định được rằng họ đã chiến thắng trận thiết giáp, lúc đó họ mới tung lực lượng lục quân, đi sau những chiếc xe tăng, tiến thẳng vào thủ đô Bagdad.
Trận chiến xảy ra như xem phim vẽ, nhưng là một trận chiến có thật.
Phải nói, cho tới giờ phút này chưa có một cường quốc nào có thể qua mặt Hoa Kỳ về phương diện quân sự, khoa học, kỹ thuật quân sự.
Điều này Trung cộng cũng biết, nên không dại gì gây hấn với Hoa Kỳ.
Lý do thứ hai làm cho không có sự đối đầu quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung cộng, đó là: Về phía Hoa Kỳ, họ cũng ý thức rất rõ rằng, mặc dầu hôm nay về kinh tế, dù vẫn là đệ nhất, nhưng không tuyệt đối như sau Thế chiến, chiếm 50% tổng sản lượng thế giới, mà chỉ còn 16%, tuy nhiên về quân sự là tuyệt đối, họ không dại gì gây chiến với một cường quốc, hậu quả rất khó lường, không biết mình còn có thể giữ vững địa vị cũ hay không, hay rồi cũng sứt đầu, mẻ tai, dù chiến thắng.
Bởi lẽ đó giả thuyết Thế chiến thứ Ba sẽ xảy ra, giả thuyết này gần như không hiện thực.
Chúng ta hãy đặt chúng ta vào địa vị những nhà lãnh đạo và làm chiến lược Hoa Kỳ, không những đứng đầu về sức mạnh cứng (Hard power), tức là về quân sự và kinh tế, mà về sức mạnh mềm (Soft power), Hoa Kỳ cũng không thua ai, chỉ sau có Anh và Đức, trên cả Pháp.
Theo viện nghiên cứu về sức mạnh mềm, được thành lập vào năm 1990, bởi ông giáo sư Josep S. Nye Jr., dựa trên tiêu chuẩn những giá trị tinh thần như nước đó có dân chủ không, người dân xứ đó có quyền tự do, được bảo đảm an ninh hay không, có một nền giáo dục, văn hóa, kỹ thuật, khoa học cao hay không, người nước ngoài có thích đến sống hay không, tiếng nước đó có thông dụng hay không. Ông đã đưa ra một số tiêu chuẩn, rồi chấm điểm để xếp hạng. Theo đó: Anh đứng đầu, với 75,61 điểm, Đức thứ nhì với 73,98, Hoa Kỳ thứ 3 với 73,68; sau đó là Pháp, Canada, Úc, Thụy Sỹ, Nhật Bản. Trung cộng đứng hạng thứ 30, chót bảng, vì chỉ xem xét 30 quốc gia, không có Nga. Trung cộng còn sau cả Nam Hàn (54,32 điểm), Singapore (52,5), Cộng hòa Tiệp (43,56), Thổ Nhĩ Kỳ (42,55) và Mễ Tây Cơ (42,52).
Thật ra chúng ta không cần đi quá vào chi tiết, chúng ta cứ xem số du học sinh và những trường đại học nổi tiếng trên thế giới, số giải thưởng Nobel thì chúng ta cũng biết sơ về quyền lực mềm. Hiện nay tại Hoa Kỳ có gần 1 triệu du học sinh quốc tế, trong đó Trung cộng đứng đầu với vào khoảng 500 000, phần lớn là con ông cháu cha. Vào thời Đặng Tiểu Bình lập ra Tám Đại gia (Bát đại gia), và Hoa Kỳ lập quan hệ ngoại giao với Trung cộng, ít nhất 23 con cháu của nhóm 8 Đại công thần và vợ/ chồng, con cháu của họ từng học ở Hoa Kỳ, với 3 người ở Đại học Harvard, 4 ở Đại học Stanford. Theo tài liệu của Bloomberg gần đây, thì có 18 người làm việc cho các cơ sở của Mỹ, gồm American International Group Inc. và Công ty luật White & Case, công ty này đã thuê một trong những người cháu trai của Đặng Tiểu Bình. Mười hai người có tài sản ở Hoa Kỳ.
Ở vào địa vị như vậy, Hoa Kỳ không vạ gì thay đổi tình hình. Họ theo câu của người xưa "Dĩ bất biến trị vạn biến" (Lấy sự bất biến để trị vạn biến), ngồi xắp xếp thế chiến lược về địa lý chính trị, quân sự, bao vây Trung cộng theo một đường vòng cung, từ Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, qua Nam Dương, Mã Lai, tới Ấn Độ, xuống tới Úc, đồng thời cũng xiết gọng kìm kinh tế.
Nếu kể thì từ ngày biển Đông dậy sóng đến giờ, Hoa Kỳ đã thủ lợi, thắt chặt quan hệ ngoại giao, quân sự với phần lớn những nước trong vùng. Một thí dụ đơn giản, cách đây 10 năm, Phi luật tân là một nước thân cận với Hoa Kỳ, mà đã tẩy chay những căn cứ quân sự, nay chấp nhận cho nước này lập lại 8 căn cứ; một số nước khác, trong đó có Nhật, cũng vậy.
Bởi lẽ đó có người cho rằng những biến động ở biển Đông chỉ là những cơn sóng gió trong một ly nước. Và trong những người này có một số những nhà soạn thảo chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ có đủ kiên nhẫn để chờ đợi, họ đã chờ đợi nửa thế kỷ trong thời gian Chiến tranh lạnh, với chính sách Be bờ. Trong 50 năm, có biết bao biến cố, thế mà vẫn bình tĩnh, kiên trì, sau đó họ chiến thắng.
Đối với Biển Đông, đối với Trung cộng, chúng tôi thiết nghĩ, thì cũng vậy, Hoa Kỳ có thể kiên nhẫn chờ đợi, đợi xắp xếp thế cờ, một khi đã thấy phần thắng nghiêng về phía mình, thì mới hành động. Và nhiều khi không cần hành động quân sự mà địch thủ tự thua, như trường hợp với Liên sô, không cần một phát súng mà nước này sụp đổ, Hoa Kỳ thắng Chiến tranh Lạnh.(1)
Tôn Tử, một nhà tư tưởng quân sự nổi tiếng của Tàu có viết: "Người giỏi trong những người giỏi, đó là khuất phục quân địch mà không làm tan quân địch, chiếm được thành địch mà không làm vỡ thành, lấy được nước địch mà không làm bể nước."
Khác hẳn với Cộng sản Việt Nam, không những làm tan quân, làm bể thành, làm vỡ nước, mà đây không phải là quân địch, thành địch, nước địch, mà chính là anh em trong nhà, thành nhà, nước nhà. Lòng dân Việt còn oán hận chế độ cộng sản cho tới ngày hôm nay là vì vậy.
Biển Đông còn dậy sóng, nhất là dậy sóng giữa Cộng sản Việt Nam và Trung cộng, vì mặc dầu nói đầu môi chót lưỡi "Bốn tốt, mười sáu chữ vàng". Nhưng Trung cộng luôn theo chính sách "Mềm nắn, rắn buông". Với Hoa Kỳ thì quá rắn. Với Nhật bản cũng vậy. Với Phi luật tân thì mềm, nhưng có Hoa Kỳ đứng đằng sau. Chỉ còn có Việt Nam. Mặc dầu là "Tình anh em cộng sản, xã hội chủ nghĩa", nhưng Trung cộng sẵn sàng đè cộng sản Việt Nam ra răn đe, như năm 1979, Trung cộng dạy cho CSVN một bài học, rồi năm 1988, chiếm một số hòn đảo ở Trường sa, với sự lãnh đạm, có thể nói là không biết của thế giới, vì cả 2 nhà cầm quyền Trung cộng và CSVN đều dấu nhẹm sự kiện này. Hiện nay mặc dầu Trung cộng càng lúc càng hung hăng với Việt Nam, lúc thì cho tàu đụng chìm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, lúc thì ngang nhiên kéo dàn khoan vào hải phận VN, đặt dàn hỏa tiễn trên các đảo chiếm đóng của Việt Nam. Ngày nào đảng Cộng Sản VN vẫn hèn nhát, không dám tố cáo hành vi hiếu chiến và sai trái của Trung cộng cùng những tuyên bố hàm hồ về chủ quyền trên biển Đông, trước cộng đồng thế giới, ngày đó Trung cộng vẫn lấn tới.
Đó là tình hình biển Đông hiện nay và sự chẩn đoán của một số nhà bình luận.
Paris ngày 29/03/2016
___________________________________________________
(1) Xin đọc thêm những bài về Hoa Kỳ và Trung cộng, trên:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét