Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Bộ Chính Trị đảng CSVN khóa 12, đang thực hiện tiến trình phân bua “chúng tôi vô can” về hiện tình kinh tế Việt Nam nằm sâu dưới đáy vực nhiều năm nay, khi đảng cho công bố “cáo trạng 7 điểm” đổ hết lỗi lầm cho phía chính phủ sắp mãn nhiệm. Điều này cũng nhằm mục tiêu duy trì độc tôn quyền lực, không cần biết về đời sống dân chúng sẽ ra sao những năm trước mặt: Ngân sách nhà nước cần đến 1 triệu 273 ngàn 200 tỷ đồng, bội chi 254 ngàn tỷ đồng, so với năm 2015. Đồng Mỹ Kim làm ra trên đất Việt “chảy” ra ngoài cả chính thức lẫn rửa tiền, đưa đến nền tài chánh bệnh họan. Tiền đồng sẽ mất giá thêm đến 8% trong năm nay. Nền kinh tế bắt buộc phải hội nhập với trào lưu con người, nhưng lại không thể cạnh tranh nổi với các nước trong vùng, vì doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp tư bị nhà nước chèn ép phải phá sản hàng loạt. Nông nghiệp chắc chắn sẽ thất thu rất lớn, vì Hanoi “ngậm tăm” khi Bắc Kinh xây bao nhiêu con đập ở thượng nguồn, cộng với hạn hán nghiêm trọng chưa từng có từ 90 năm nay, khiến toàn vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long bị ngập mặn, hoa mầu và lúa sẽ chết cháy, anh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến 20 triêu người trong vùng, dẫn đến thiếu gạo trên cả nước.
Soi gương, thấy chính mặt mình
Báo chí Việt Nam thuật rằng, hôm 24 tháng 2, Ủy ban Pháp Luật Quốc Hội cộng sản đưa ra một bản báo cáo, “7 điểm yếu kém, chủ quan trong việc điều hành quốc gia. Riêng về “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển”.
Bản văn được ví như “cáo trạng dành cho chính phủ sắp mãn nhiệm Nguyễn Tấn Dũng”. Sự kiện này cũng mở đường cho hàng loạt các biến chuyển sẽ nhắm vào thành lũy của bên “thua cuộc”. Nói rõ hơn, bên “thắng cuộc” đang cố “rạch hầu bao” của nhóm bên kia.
Trên thực tế, các chức vụ dù thuộc đảng, chính phủ, quốc hội, quân đội, công an... cũng đều nằm trong tay các đảng viên “có thế giá”. Trong lịch sử đảng CSVN, mỗi khi phạm tội ác với dân hay bán nước cầu vinh, đảng trưởng từng chỉ tay vào người khác như “vật hy sinh” để nói là mình vô tội, nhưng soi trong gương lại thấy chính mặt mình!
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư sắp mãn nhiệm Bùi Quang Vinh, không có trong Ban chấp hành Trung ương đương nhiệm, từng cảnh báo “thể chế, cơ cấu hiện tại không thích hợp cho nền kinh tế thị trường. Hiện nay là thời điểm vàng để Việt Nam tiến hành những cải cách mạnh mẽ. Nếu bỏ qua thời cơ này, Việt Nam có thể rơi vào nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình” [1]
Ông Vinh nói 3 cột trụ cần có để kinh tế tiến lên thì hầu như Việt Nam rất yếu hay không có, đó là: năng suất lao động, công bằng và hòa nhập xã hội, nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Ông Vinh chỉ thẳng ra rằng, “năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho khu vực tư nhân phát triển là do Nhà nước còn thiếu hiệu quả, thiếu sự giám sát của người dân.”
Tài liệu phát triển kinh tế Việt Nam ghi nhận rằng, liên tục từ đầu thế kỷ thứ 19, cho đến năm 1954 cả Việt Nam; và sau đó, cho đến năm 1975 riêng Nam Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về tỷ lệ dân số trên quy mô kinh tế. Khi ấy, nền kinh tế Việt Nam lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại; gấp hơn 1,5 lần Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Và là niềm mơ ước của Singapore.
Hiện nay, tính theo số liệu 2014, GDP bình quân đầu người Việt Nam chỉ ở mức 2.052 USD/người/năm, chưa bằng được 1/5 mức thu nhập trung bình của thế giới (12.000 USD/người/năm), và chỉ bằng hơn 1/3 GDP bình quân đầu người của Thái Lan.
Tiêu bậy, vay thêm nợ
Tại các nước dân chủ, nợ công được cập nhật cho dân chúng biết. Tại Việt Nam, nợ công được che đậy như bí mật quốc gia. Giới chuyên gia ước lượng nợ công của toàn Việt Nam hiện nay khoảng trên 300 tỷ Mỹ Kim. Số thống kê năm 2012 đã là 180 tỷ Mỹ Kim; trong đó công ty quốc doanh nợ một nửa, phần còn lại là chính phủ vay.
Ngân Hàng Thế Giới nói, năm 2014 nợ công riêng phần chính phủ Việt Nam đã là 110 tỷ Mỹ Kim. Như vậy, năm 2015 Hanoi phải trả khoảng 8 tỷ Mỹ Kim tiền lãi cho khoản vay 110 tỷ Mỹ Kim của năm 2014. Còn các khoải vay từ các năm trước sẽ đưa tỷ lệ trả tiền lãi trong ngân sách lên đến con số rất đáng ngại.
Hanoi sẽ chi tiêu năm 2016 là 1 triệu 273 ngàn 200 tỷ đồng. Như vậy, bội chi ngân sách năm 2016 sẽ ở mức 254 ngàn tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP, tăng 28 ngàn tỷ đồng so với năm 2015. Các chuyên gia kinh tế nói, mấy năm nay, năm nào cũng bội chi ngân sách. Chi thường xuyên đã chiếm hơn 71%, chi trả nợ chiếm 26%, còn lấy đâu để đầu tư công.
Việt Nam bất ngờ trở thành một trong 10 nước mua vũ khí và trang thiết bị cho ngành an ninh, quốc phòng nhiều nhất trên thế giới, tăng gấp 7 lần trong giai đoạn 5 năm vừa qua. Đang từ hạng 43, Việt Nam nhảy vọt lên hạng 8 trong bảng xếp hạng của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Stockholm-SIPRI về các nước nhập khẩu vũ khí trên toàn cầu. Trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, Việt Nam mua vào gần 3% vũ khí và trang thiết bị liên quan đến an ninh, quốc phòng của cả thế giới, đứng trên Hàn Quốc hay Singapore. Trong số các loại trang thiết bị này, hẳn có liên hệ rất nhiều đến việc theo dõi, điều tra và trấn áp dân chúng.
Với các chi tiêu dân không được quyền biết, Hanoi muốn vay thêm bao nhiêu nợ, thì đời sau dân phải trả, đảng CSVN sẽ chẳng hề hấn gì! Mới đầu năm Hanoi đã dự tính vay thêm 10 tỷ Mỹ Kim qua trái phiếu. Điều này cho thấy, nợ công trước đó không hề giảm, trả vào vốn không được là bao, mà còn phải mượn thêm mới đủ nuôi trên 4 triệu đảng viên, dư luận viên và đám con đồ chuyên thi hành lệnh Cộng đảng trấn áp dân chúng. Vì hết cửa vay với lãi xuất ưu đãi, Hanoi buộc phải phát hành trái phiếu dù lãi xuất cao có thể đến 7%.
Tiền “chạy” ra ngoài
GDP (Gross Domestic Product), Tổng sản phẩm nội địa được sử dụng để đánh giá tăng trưởng của nền kinh tế. Nhưng theo chuyên gia tài chánh, GNI mới phản ảnh đúng mức thu nhập của một quốc gia [2].
Hanoi chủ trương chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế phải đạt “thành tích” - nghe phải “rổn rảng”, nên theo đuổi lối cộng tất cả giá trị gia tăng của các ngành trong nền kinh tế và thuế nhập khẩu của mọi công ty, kể cả ngoại quốc có vốn đầu tư trực tiếp (Foreign Direct Investment - FDI) đang hoạt động tại Việt Nam từ một năm trở lên. Tổng số liệu toàn bộ giá trị gia tăng vừa nói, được Hanoi gọi là GDP của Việt Nam.
Như vậy, GDP do Hanoi công bố, không phản ảnh đúng bức tranh của nền kinh tế. Thí dụ: tập đoàn gang thép Formosa tại Vũng Áng, với số vốn FDI lên đến 20 tỷ Mỹ Kim, có đến 60 ngàn công nhân và gia đình, chiếm trọn khu công nghệ lớn với cảng nước sâu bên cạnh. Lợi nhuận của Formosa làm ra trên đất Việt nam, nhưng họ được chuyển về Tàu theo luật định. Hanoi thống kê khoản thu lợi này vào GDP của Việt Nam, là một cách thổi phồng GDP lên cao mà thực chất nguồn tài chánh này đã bị chuyển ra ngoài rồi. Điều này cho thấy luồng tiền ra ngày càng lớn và tổng thu nhập quốc gia ngày càng nhỏ hơn so với GDP. Đồng thời cũng giải thích tại sao GDP của Việt Nam vẫn tăng đều, mà dân, nước vẫn nghèo; thất nghiệp vẫn cao, sinh viên tốt nghiệp không thể tìm ra việc làm. Lượng tiền chi trả ra nước ngoài (công ty Mẹ) của các công ty FDI nội năm 2014 tăng 11 lần so với năm 2005 [3]. Đó là chưa kể đến hàng chục tỷ Mỹ Kim của tham quan cộng sản chuyển ra ngoài nước dưới rạng rửa tiền. Các công ty FDI lớn nhỏ chiếm đến 21% GDP của Việt Nam. Họ nhận được rất nhiều ưu đãi từ đảng CSVN mọi cấp. Các ưu đãi này làm cho các công ty nội địa mất vị thế cạnh tranh và ở vào thế yếu.
Để đánh giá chính xác tình hình kinh tế, chuyên gia tài chánh đề nghị, nên xét thêm đến chỉ tiêu GNI. Đây là chỉ tiêu được xác định bằng cách lấy GDP cộng với thu nhập nhận được từ bên ngoài, trừ đi những khoản tương tự phải trả ra bên ngoài.
Miền Tây ngập mặn
Mối nguy khác là hạn hán nặng nhất từ 90 năm nay (1926), cộng với việc Trung Cộng xây hàng loạt đập thủy điện nơi thượng nguồn gây tác hại lớn cho hàng trăm ngàn mẫu lúa và hoa màu ở vùng duyên hải Đồng Bằng Sông Cửu Long đang bị nhiễm mặn do nước biển tràn vào, có nơi nước biển đã vào sâu đến 60 cây số.
Giới chuyên ngành băn khoăn, hiện nay hệ thống thủy lợi chống hạn, mặn toàn vùng Đồng Băng Sông Cửu Long còn yếu và hiệu quả thấp.
Nếu toàn Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long bị thất thu nhiều vụ lúa và hoa mầu năm nay, thì Hanoi sẽ thiếu hụt ngân sách hơn nữa. Cả nước có thể sẽ thiếu gạo ăn. Riêng 20 triệu người thuộc khu ngập mặn sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Kết quả thê thảm này chính là do Hanoi “không dám hé răng” khi Trung cộng xây hàng loạt đập thủy điện ở thượng nguồn, làm mất tính điều hòa thiên nhiên của dòng sông Mekong quốc tế, đưa đến tại hại nơi hạ nguồn là Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất Việt Nam, nơi cung cấp một lượng lớn gạo xuất khẩu của Việt Nam, quốc gia đứng hàng thứ hai trên thế giới về lượng gạo xuất khẩu hàng năm.
24.03.2016
___________________________________
Chú thích:
[1] Bẫy thu nhập trung bình là một tình trạng trong phát triển kinh tế khi mà một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) và giậm chân tại mức thu nhập ấy mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn.
[2]Thu nhập quốc dân (Gross national income – GNI) là chỉ số kinh tế xác định tổng thu nhập của một quốc gia trong một thời gian, thường là một năm. Đây là chỉ tiêu đo thực lực của quốc gia. Thí dụ, lợi nhuận của một công ty Mỹ hoạt động tại Anh sẽ được tính vào GNI của Mỹ và GDP của Anh, không tính vào GNI của Anh hay GDP của Mỹ.
[3] Số liệu trích dẫn từ Đàm nhân Đức, Military Commercial Joint Stock Bank - MB.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét