Chu Chi Nam và Vũ Văn Lâm (Danlambao) - Nhìn bề ngoài và có một phần đúng sự thật là Tập cận Bình được coi như người, không những quyền lực nhất Trung cộng, mà một phần ở thế giới, vì ông là người cầm đầu một cường quốc đứng thứ nhì về kinh tế, nếu tính theo Tổng sản lượng, với 10 000 tỷ $, chỉ sau Hoa Kỳ với 17 000 tỷ $. Ông là người nắm nhiều chức vụ Chủ tịch: Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Quân Ủy hội, Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Thanh tra, Thanh trừng, Kỷ luật của Đảng, Chủ tịch Ủy ban Chống Tham nhũng, Chủ tịch Ủy Ban Cải cách cải tổ Kinh tế, Tài chánh v.v…Và mới đây lại thêm chức tổng tư lệnh liên quân, ông Tập có thể điều khiển trực tiếp những hoạt động của quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu chúng ta quan sát kỹ tình hình Trung cộng, thì không hoàn toàn như vậy. Một người có thể nói là bạn từ thưở nhỏ của họ Tập, ông La Vũ, hiện sống ở Hoa kỳ, có viết một bức thư gần đây cho ông này, theo đó:
"Trong Ban thường vụ Bộ Chính trị 7 người, trong đó có 1 người theo Anh, 1 người trung lập, còn 4 người kia, thì chờ Anh ngã ngựa."
Từ đó, có người cho rằng Tập cận Bình không phải là "người quyền lực nhất Trung cộng và ngay cả trên thế giới" mà ngược lại, tương lai chính trị của họ Tập rất bếp bênh. Trong khi đó thì nhiều bài báo thổi phồng: khi họ Tập viếng thăm chính thức Hoa kỳ năm 2015, Obama phải cúi đầu, rồi viếng thăm cùng năm, nước Anh, Thủ tướng Anh Cameron, phải trải thảm đỏ đón tiếp theo nghi lễ hoàng gia, có cả nữ Hoàng.
Nếu chúng ta nhận xét kỹ thì hiện nay Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm có:
1) Tập cận Bình;
2) Lý khắc Cường (Thủ tướng);
3) Trương đức Giang (Chủ tịch Quốc hội);
4) Du chính Thanh (Chủ tịch Ban Hội nghị Chính Hiệp, tương đương với Mặt trận Tổ quốc của Cộng sản VN);
5) Lưu vân Sơn (Chủ tịch Trường huấn luyện Trung ương Đảng, Lãnh đạo Tư tưởng, Tuyên truyền Trung Ương);
6) Vương kỳ sơn (Bí thư Ban Kiểm tra, kỷ luật, Thanh trừng Trung Ương, cầm đầu Chiến dịch Chống Tham nhũng);
7) Trương cao Lệ (Phó Ban Bí thư Cán sự Đảng và Quốc vụ viện, tương đương với Chính Phủ của CSVN).
Trong 7 người này, theo thiển ý của chúng tôi, chỉ có một người mà ông La Vũ viết trong thư ủng hộ họ Tập, đó là Vương kỳ Sơn, người đứng trung lập là Thủ tướng Lý khắc Cường. Ông này lúc đầu ủng hộ họ Tập, nhưng về sau đứng trung lập, và hiện nay, theo một số nguồn tin, thì ông trở nên chống họ Tập, vì ông này can thiệp quá nhiều về lãnh vực kinh tế, lãnh vực mà ông trực tiếp phụ trách. Sự can thiệp không mang lại kết quả khả quan, mà chỉ làm rối bời. Cũng như Tập cận Bình đòi sa thải 1,8 triệu công nhân, trong lãnh vực sản xuất sắt thép, than đá, ở tỉnh Liêu ninh, địa bàn chính trị của họ Lý, vì trước đây ông đã từng làm tỉnh trưởng Liêu ninh.
Gần đây, Tài liệu Panama (Panama Papers) tiết lộ, thì trong Ban thường Vụ, có 3 người dính dáng đến vụ này, mà theo nhiều nhà quan sát, đó là Tập cận Bình (qua người anh rể và chị gái), Lưu vân Sơn, Trương cao Lệ.
Như vậy chúng ta thấy trong Ban Thường Vụ Bộ Chính trị, chỉ còn mình Vương kỳ Sơn ủng hộ, còn 5 người kia chống, không còn ai trung lập.
Họ chống, vì rất nhiều lý do, nhưng lý do chính là xét thành quả những việc làm của họ Tập trong 4 năm qua, mà năm tới là năm thứ năm, có Đại hội Đảng để thay thế 5 người trong Ban thường vụ, và bầu người kế vị họ Tập trong tương lai.
Chúng ta hãy cùng nhau xem xét những điều Tập cận Bình hứa với dân Tàu, và những điều ông đã thực hiện trong khoảng gần 4 năm qua, để có thể khiêm tốn chẩn đoán sơ về tương lai chính trị của ông.
Một cách tổng quát, khi Tập cận Bình lên ngôi, vừa Chủ tịch Đảng, rồi Chủ tịch Nhà nước vào cuối năm 2012, qua những bài tuyên bố, có lúc công khai có lúc kín đáo, nhưng nhiều khi bị tiết lộ ra ngoài, người ta có thể tóm tắt những mục đích của họ Tập là:
I) Chống tham nhũng, hối lộ
Chiến dịch thanh trừng này còn được mệnh danh là "Đả hổ, đập ruồi": Đây là việc làm mà họ Tập dồn nỗ lực vào nhiều nhất. Nhưng cho tới nay, người dân cho rằng họ Tập không công minh, chính đại, chỉ chống người tham nhũng không theo ông, còn những người theo ông thì yên thân, vì ở nước Tàu hiện nay, ai mà không tham nhũng hối lộ. Ngay cả bản thân và gia đình họ Tập.
Chống tham nhũng và hối lộ là mang đến sự công bằng xã hội, nhưng ngay căn bản của việc làm này đã là bất công. Vậy còn ai tin? Dân đã không tin, mà dân còn sợ hãi. Một bầu không khí khủng bố (terreur) hiện đang bao trùm nước Tàu hiện nay. Nhiều cán bộ cộng sản đương vị đã xin thoái vị hoặc chuyển ngành để tránh "cặp mắt của Ủy ban thanh tra Đảng", tức Ủy ban chống tham nhũng của họ Tập. Người ta liên tưởng tới thời kỳ Cách mạng Văn hóa Hồng vệ Binh (1966 – 1976) của Mao, mà dân Tàu ai cũng khiếp sợ.
Diễn tiến cuộc thanh trừng từ ngày họ Tập lên ngôi: Nhiều người cho rằng cuộc thanh trừng của họ Tập bắt đầu bằng sự kiện Bạc hy Lai rớt đài và bị đưa ra tòa vào ngày 19/03/2012. Chúng ta còn nhớ Vương lập Quân, nhân vật thứ 2 của Trùng Khánh, đặc trách về công an, mật vụ, tay em đắc lực của vợ chồng họ Bạc, làm bất cứ việc gì do 2 người này sai khiến. Ngày 6 tháng 2 năm 2012 ông ta chạy vào Tòa Tổng Lãnh sự Hoa kỳ ở Trùng Khánh, xin tỵ nạn chính trị, nói rằng vợ chồng họ Bạc muốn giết ông. Tất nhiên Tòa Tổng Lãnh sự chấp nhận bảo vệ ông, nhưng ông ta không thuộc bất cứ một dạng đối tượng nào phù hợp để Mỹ có thể cấp quy chế tị nạn. Theo lời bà Hilary Clinton, cựu ngoại trưởng Hoa kỳ, "Ông ta là kẻ khét tiếng tham nhũng, côn đồ và tàn bạo. Ngoài ra ông ta còn là cánh tay phải đắc lực của Bạc Hy Lai." Vài ngày sau thì họ Vương được Tòa Tổng Lãnh sự trao trả lại cho người từ Trung ương dẫn độ ông về Bắc kinh.
Sự việc Bạc hy Lai nổ ra. Sự việc này không phải chỉ là tham nhũng và chuyển tiền ra nước ngoài, mà còn liên quan đến chính trị, liên quan đến một âm mưu đảo chính Tập cận Bình.
Sở dĩ có vụ này mà theo những tin tức đáng tin cậy, Giang trạch Dân, trong 2 người, Tập cận Bình và Lý khắc Cường, đã chọn họ Tập là người kế vị Hồ cẩm Đào, vì họ Tập tỏ ra là người kín đáo, nghe lời ông hơn. Nhưng tình thế hoàn toàn trái ngược lại trước khi họ Tập lên nắm thực quyền, làm Chủ tịch Đảng vào cuối năm 2012. Vì vậy họ Giang âm mưu một cuộc đảo chính ngay khi họ Tập vừa lên ngôi, chưa đủ thời gian củng cố quyền lực. Những người được cho là liên quan trực tiếp tới âm mưu đảo chính là Bạc hy Lai, Tỉnh trưởng Trùng Khánh, nhân vật đang lên, Chu vĩnh Khang, Bộ trưởng Công an, Luật Pháp và Dầu khí, Quách bá Hùng và Từ tài Hậu, cả hai đều là cựu Phó Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Sau khi cuộc đảo chính không thành, phe cánh Giang trạch Dân đã nhiều lần tìm cách ám sát họ Tập, nhưng cũng không thành.
Như trên đã nói, chiến dịch chống tham nhũng hối lộ, bề ngoài thì như vậy, nhưng thực sự bên trong là một cuộc tranh quyền nội bộ, gần như một sống một còn giữa phe Giang trạch Dân và Tập cận Bình.
Ở nước Tàu hiện nay, ai mà không tham nhũng, ngay cả họ Tập, như Tin Panama tiết lộ thì người chị và anh rể họ Tập cũng chuyển tiền ra nước ngoài. Vì vậy, họ Tập chỉ chống, đả hổ, đập ruồi những người nào không theo mình, còn những người nào theo, thì dù tham nhũng đến đâu chăng nữa cũng được dung túng.
Việc này không thể che mắt được người ngoài và chính dân Tàu.
Nên chiến dịch chống tham nhũng, dưới mắt dân Tàu không thành công, chỉ là chống nửa vời. Mặc dầu từ ngày cầm quyền đến nay họ Tập đã kỷ luật 182 000 viên chức, trong đó có 36 Thứ Trưởng và 3 con hổ lớn, Bạc hy Lai, Từ tài Hậu và Chu vĩnh Khang.
II) Cải tổ Quân đội
Việc cải tổ quân đội cũng vậy.
Có thể nói quân đội Trung cộng là quân đội tham nhũng nhất thế giới, từ ngày Đặng tiểu Bình cho phép quân đội làm kinh tế, rồi phải nhờ đến quân đội để dẹp biến cố Thiên an Môn 1989. Tình trạng tham nhũng, hối lộ trong quân đội trở nên trầm trọng hơn dưới thời Giang trạch Dân và Hồ cẩm Đào
Dù sao Đặng tiểu Bình cũng là người xuất thân từ quân đội, lúc đầu là Ủy viên chính trị Quân đoàn 8, có những tay em trung thành trong quân đội như Dương thượng Côn, Văn Chấn. Ngược lại Giang trạch Dân là người xuất thân từ một kỹ sư, chuyên viên, nói quân đội khó nghe, nên tìm cách mua chuộc quân đội bằng tham nhũng, hối lộ.
Tập cận Bình muốn vừa chống tham nhũng, vừa muốn cải tổ quân đội. Nhưng trong lãnh vực này, người ta cũng có thể nói kết quả rất mong manh. Người giúp đỡ họ Tập chống tham nhũng trong quân đội không ai hơn là Tướng Lưu Nguyên, con của Chủ tịch nước Lưu thiếu Kỳ, người bị Mao trù dập cho đến chết. Họ Tập muốn đưa Lưu Nguyên lên một chức quan trọng trong quân đội, thế mà vẫn không làm được. Điều này chứng tỏ họ Tập vẫn chưa hoàn toàn khống chế quân đội. Đấy là chưa nói đến việc có nhiều vùng quân khu tỏ ra bất mãn. Nên họ Tập rất sợ một âm mưu đảo chính thứ nhì, do đó ông lại vừa lập và đảm nhận thêm chức tổng tư lệnh liên quân mong có thể kiểm soát và điểu khiển trực tiếp những hoạt động của quân đội Trung Quốc.
III) Cải tổ kinh tế xã hội
Chúng ta phải thành tâm công nhận rằng từ ngày Trung cộng mở cửa, với cuộc viếng thăm Hoa kỳ của Đặng tiểu Bình năm 1978, rồi cho Việt Nam một bài học năm 1979, nước Tàu đã khắc phục được nạn đói và hiện nay đã trở thành một cường quốc kinh tế. Họ Đặng cùng 7 người trong nhóm lão thành của đảng Cộng sản Tàu (Bát đại nguyên lão) gồm có 8 gia đình 1) Đặng tiểu Bình, 2) Dương thượng Côn, 3) Vương Chấn, 4) Trần Vân, 5) Lý tiên Niệm, 6) Bành Chân, 7) Tống Nhiệm Cùng, 8) Bạc Nhất Ba; Tám đại gia đình này nắm toàn quyền chính trị, kinh tế tài chánh của xứ Tàu.
Điều đáng nói là họ đã đi ngược lại giáo điều cộng sản, dám lấy quyết định trao toàn tài sản quốc gia, từ ngân hàng, tài chính, hãng xưởng cho con cháu, chuyện mà Cộng sản Liên sô cũng như Cộng sản Việt Nam và những nước cộng sản khác không dám làm. Trước khi làm việc này, họ cũng đã nghiên cứu rất kỹ: Nghiên cứu về những kinh nghiệm đau thương mà nước Tàu và chính họ phải gánh chịu, đó là Bước Nhảy Vọt của Mao (1958 – 1961), qua chính sách hợp tác xã và kỹ nghệ hóa bắt buộc, với cái nhìn thiển cận của Mao về kinh tế, cho rằng một nước kỹ nghệ là một nước có sức sản xuất sắt thép cao, bắt dân làm những lò đúc thép, mang nồi niêu, xoong chảo ra nấu để làm thép. Mùa màng, cày cấy bị bỏ bê đưa đến nạn chết đói khoảng 40 triệu người. Họ nhận thấy kinh tế kiểu Mao không xong. Họ cũng nghiên cứu những nước chung quanh từ Liên sô, qua Nhật bản, đến Nam Hàn, Singgapour. Họ thấy kinh tế Liên sô quá thiên về kỹ nghệ nặng, quên đi kinh tế dân dụng và xuất cảng. Ngược lại họ lưu tâm đến kinh tế Nhật, Hàn quốc và Singapour, là kinh tế thiên về nhân dụng và để xuất cảng. Từ đó họ trao tất cả những hãng xưởng, tài chính, ngân hàng vào tay con cháu mình, với mục đích tạo dựng những hãng xưởng để sản xuất và xuất cảng.
Theo tài liệu mới nhất của Bloomberg News, thì ngày hôm nay từ Tám gia đình đã trở thành 103 người, vì đã đến đời cháu, đời chắt. Phần lớn thì đi làm lãnh vực tư nhân, ở nước Tàu, hay ở ngoại quốc, chỉ còn 26 người điều hành, nắm giữ các chức vụ hàng đầu trong các công ty nhà nước, thống trị nền kinh tế Tàu. Chỉ riêng 3 người con: Con trai tướng Văn Chấn, Văn Quân, con rể Đặng tiểu Bình, Hà Bính (He Ping), và Trần Nguyên (Chen Yuan), con trai Lãnh chúa kinh tế của Mao, Trần Vân, cả 3 người con này đứng đầu hoặc vẫn điều hành các công ty thuộc sở hữu nhà nước, với tài sản cộng chung khoảng 1,6 ngàn tỷ $, năm 2011, bằng 1/5 tổng sản lượng kinh tế của Tàu cùng năm. Tất cả những doanh nghiệp nhà nước, đã có trước đó, hay phần lớn được thành lập sau này, đã trở thành những trại lính, Ban giám đốc hay Quản trị được chỉ định bởi con cháu các công thần, nhân công ở dưới là những người lính, từ trên xuống dưới chỉ biết nghe lệnh "Sản xuất để xuất cảng".
Hiện nay Trung cộng có vào khoảng 150 000 hãng xưởng quốc doanh, huy động một số tiền là 15 ngàn tỷ $, bằng 1,5 tổng sản lượng quốc gia. Phải công nhận rằng chính những hãng xưởng quốc doanh này đã vực dậy kinh tế Tàu, đưa từ chỗ nghèo đói, chết đói năm 1960, thời Mao, thành một nền kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới, nếu tính theo tổng sản lượng.
Sự tăng trưởng kinh tế với 2 con số trong bao chục năm, tất có nhiều lý do, nhưng trong đó phải kể công của con cháu các lão thần và những hãng xưởng quốc doanh mà họ lập ra. Chỉ tiếc là sau đó, từ thời Đặng tiểu Bình, Giang trạch Dân, đã không ý thức được nhu cầu cải cách của xã hội, đã bỏ qua nhiều cơ hội. Đến thời Hồ cẩm Đào và Ôn gia Bảo, cả 2 cũng đã nhận ra được yêu cầu cấp bách của cải tổ kinh tế và dân chủ hóa, nhưng nạn tham ô và khống chế quyền lực của bè phái Giang trạch Dân đã đến cực điểm, đã cô lập và tạo khó khăn cho những ai, kể cả chủ tịch đảng và thủ tướng, có khuynh hướng cải cách. Và giờ đây những hãng xưởng này đã quá tải và lỗi thời.
Theo ông Trương duy Nghênh, giáo sư kinh tế tại trường Đại học đào tạo cán bộ Trung Ương đảng, ở Bắc Kinh, trong một bản thuyết trình ở Diễn đàn kinh tế thế giới, Davos, Thụy sỹ, vào năm 2011, thì: "Nền kinh tế Trung cộng đang chao đảo. Mô hình kinh doanh cũ hàng thập kỷ, theo định hướng xuất cảng hàng rẻ và bắt chước, được chi phối bởi những doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đã được diễn ra một cách tự nhiên. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhận thấy rằng họ phải sáng tạo hơn để có thể cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. Một kế hoạch cải cách do Ủy ban Trung Ương ĐCSTQ và Quốc vụ viện ban hành, cũng đề xuất các thay đổi với tất cả các hoạt động của DNNN."
Theo ông Nghênh, thì sự tách rời nhà nước khỏi những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thật là khó khả thực hiện, vì những lý do sau:
Sự can thiệp quá nặng nề của chính quyền vào kinh tế, nhất là DNNN.
Thiếu đông lực, vì các giám đốc và ban trị sự của DNNN là những người được chỉ định, chỉ ngồi chờ lệnh và luôn có tâm trạng "Cha chung không ai khóc".
Quản lý thiển cận, không có sáng kiến, chỉ làm việc cho qua ngày, không nhiệt tình.
Chi tiêu ngân sách tùy tiện, phần tiếp tân, hối lộ, tham nhũng, lấy lòng cấp trên chiếm một phần không nhỏ, thay vì dùng số tiền này để đầu tư vào nghiên cứu, để nâng cao trình độ của hãng xưởng mình.
Lạm phát nhân viên và lạm phát lương: Tiêu chuẩn định giá trị một hãng xưởng bị đặt sai lầm, vì dựa trên tiêu chuẩn số thợ thuyền đông và lương cao, chứ không phải do tài cán của nhân viên và thợ thuyền, tiêu chuẩn hãng xưởng đó có những phát minh sáng kiến mới, đưa ra những mặt hàng xuất sắc, được yêu thích trên thị trường.
Trở về cải cách kinh tế của Tập cận Bình, nhiều người cho rằng ông quá bận rộn về việc chống tham nhũng và tranh giành quyền lực, hơn là nghĩ đến cải cách kinh tế. Nếu có, thì những quyết định của ông có tính cách thư lại, giấy tờ, nhiều hơn là bám sát thực tế kinh tế Tàu. Chẳng hạn quyết định ra chỉ thị bắt các hãng xưởng cũng như những chính quyền địa phương phải tập trung những hãng xưởng quốc doanh để dễ cải tổ. Tuy nhiên cái này chỉ có giá trị trên chỉ thị, giấy tờ, chứ trên thực tế để tập trung hai, ba, hay nhiều hãng thành một, rồi để cải cách. Việc làm này không dễ, cần phải nghiên cứu từng hãng xưởng một, rồi mới có thể phối hợp để tập trung.
Ngay cá nhân Tập cận Bình, tập trung quá nhiều quyền hành trong tay, mười mấy chức chủ tịch, cái gì cũng muốn can thiệp, cái gì cũng phải đợi lệnh của ông; nguyên điều này đã chứng tỏ trái với nguyên tắc dân chủ, mà còn trái với kinh tế tự do, mà hiện nay nước Trung cộng đang cần: cải tổ để biến kinh tế doanh nghiệp quốc doanh thành kinh tế tư doanh.
Không những vậy, Tập cận Bình còn cố tình không nhìn vào thực trạng kinh tế Tàu đang bị khủng hoảng. Thực ra sự che dấu này không phải chỉ ở họ Tập, mà bắt đầu từ thời Hồ cẩm Đào, cùng với giới lãnh đạo Trung cộng. Nếu chúng ta quan sát kỹ nền kinh tế Tàu từ 30 năm nay, những người có một sự suy xét trung thực, phải công nhận rằng kinh tế Trung cộng đã cùng khủng hoảng với kinh tế thế giới vào năm 2008.
Một chứng minh dễ dàng, đó là sự tăng trưởng, phát triển kinh tế Trung cộng: 1/3 dựa vào xuất cảng, 1/3 dựa vào xây cất địa ốc, 1/3 dựa vào đầu tư nước ngoài và một vài lãnh vực khác.
Nay kinh tế thế giới khủng hoảng, xuất cảng ra thế giới bị khựng lại, như những con số gần đây cho biết: xuất cảng sang Mỹ giảm 8% vào tháng 8/2015, sang Nhật giảm 13%, sang Âu châu giảm 12%. Gần đây nhất vào tháng 2/2016, xuất cảng của Trung cộng giảm 25,4%, nhập cảng giảm 13,8%, cùng vào thời kỳ năm trước (Theo VOA ngày 26/3/2016). Từ đó kinh tế, kinh tế Trung cộng bị khủng hoảng là tự nhiên.
Một bằng chứng nữa, đó là ngay khi kinh tế thế giới bị khủng hoảng, thì kinh tế Trung cộng cũng bị khủng hoảng theo, ngay vào năm 2009 chính quyền Trung cộng phải bơm vào kinh tế một số lượng 645 tỷ $, tương đương với 4 000 tỷ tiền Nhân dân tệ, để vực dậy kinh tế. Nhưng 3 năm sau, trái banh lại xì vào năm 2012, chính phủ Trung cộng lại phải bơm vào một số tiền như kỳ trước là 645 tỷ $. Tuy nhiên vẫn không xong, kinh tế Trung cộng lại bị khủng hoảng một lần nữa 3 năm sau tức vào năm 2015. Chúng ta thấy có vụ đồng Nhân dân tệ bị xụt giá, thị trường chứng khoán bị tụt dốc, làm cho thị trường Thượng Hải, Thẩm Quyến, Hồng Kông mất đến 3 600 tỷ $, vào tháng 8/2015, tương đương với tổng sản lượng quốc gia của Đức, cường quốc thứ 4 trên thế giới.
Tuy nhiên kinh tế Trung cộng có thể ví như một trái banh, được làm bởi 15 000 hãng xưởng quốc doanh. Nay những hãng xưởng này đã quá tải, lỗi thời, vì nó được xây dựng ra để sản xuất hàng hóa nhằm xuất cảng, nay xuất cảng bị khựng lại, tất nhiên những hãng xưởng này bị xì hơi. Trái banh không phải bị xì hơi một lỗ mà là 150 000 lỗ nhỏ. Bởi lẽ đó để bịt lại, để cải cách rất là rất khó.
IV) Gây lại niềm tin trong dân chúng:
Theo sự tiếp nối hữu lý, thì sau khi thanh trừng tham nhũng, cải cách kinh tế, cải tổ quân đội, là tới thời kỳ gây lại niềm tin trong dân chúng, đưa nước Tàu vào giấc mơ của mình "Giấc mơ Trung cộng", của thời con Đường Tơ Lụa trên đất liền và trên biển
Từ những mục đích trên, chúng ta hãy xem xét những gì họ Tập đã làm được; niềm tin của Đảng, của Chính phủ và của dân Tàu, đối với ông, để tiên đoán tương lai chính trị của ông.
Bốn năm cầm quyền vừa qua, họ Tập thực sự chỉ nhằm vào việc tranh giành quyền lực, giữa mình và phe Giang tạch Dân. Cuộc tranh giành này có tính cách sống chết, một sống, một còn. Bằng chứng là đã có một vụ âm mưu đảo chính và cả chục lần họ Tập bị ám sát hụt.
Cuộc tranh giành này đã ngã ngũ chưa? Chưa ngã ngũ. Còn tiếp diễn và rất khó tiên đoán được tương lai cùng hậu quả. Vì ám sát có thể sẽ xẩy ra bất cứ lúc nào, và sống chết quả là trong đường tơ kẻ tóc.
Từ đây đến ngày Đại Hội Đảng vào tháng 9/2017, điều mà họ Tập sợ nhất đó là một cuộc đảo chánh, như đã diễn ra vào cuối năm 2011, với Bạc hy Lai, Từ tài Hậu, Chu vĩnh Khang, với sự hỗ trợ của Giang trạch Dân. Nếu lần này cuộc đảo chính thành công, thì cuộc đời chính trị của họ Tập là chấm dứt.
Trường hợp không có đảo chính, hay đảo chính bị thất bại, Đại hội Đảng vẫn diễn ra, nhưng khó khăn vẫn chưa dứt. Những trường hợp sau đây vẫn có thể xẩy ra:
Để thay thế 5 người trong Ban thường vụ Bộ chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất, họ Tập cần phải có 3 người theo mình, mới có đa số, vì là 3+1 = 4 trên 7. Trường hợp có 4 hay cả 5, thì quá lý tưởng.
Trường hợp chỉ có 1 người hay 2 người hoặc chẳng có người nào theo mình, thì họ Tập bị rơi vào thiểu số. Trong trường hợp này, thì có 2 trường hợp xẩy ra: hoặc người ta vẫn để họ Tập ngồi vì, nhưng mất hết quyền hành, hoặc người ta thay thế bằng người khác, mà người này rất có thể là Lý khắc Cường, theo như dự đoán của một số người.
Đó là chẩn đoán về tương lai chính trị của Tập cận Bình. Tuy nhiên từ giờ đến Đại hội Đảng dự trù họp vào tháng 9/2017, còn hơn một năm, họ Tập có còn có đủ thời gian để xoay ngược thế cờ. Có người nhắc tới trường hợp của Đặng tiểu Bình vào năm 1978, 1979, trong cuộc tranh giành quyền lực với Hoa quốc Phong, người được Mao chỉ định chính thức là người kế vị. Họ Đặng đã thắng.
Nhưng Tập cận Bình có phải là Đặng tiểu Bình không? Đây là một câu hỏi lớn.(1)
Paris ngày 01/05/2016
(1) Xin xem thêm những bài về nước Tàu, trên http://perso.orange.fr/chuchinam/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét