Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Không phải một con voi mà là hàng ngàn tấn cá chết ở vùng biển trải dài khắp Miền Trung và đã trở thành thảm họa môi trường. Cũng không có ông nào là thầy bói. Họ, là những nhà khoa học, những ông thứ trưởng, bộ trưởng và cả ông thủ tướng (hẳn hoi). Theo thống kê, Việt Nam hiện nay có khoảng gần 25 ngàn ông/bà tiến sĩ. Đấy là chưa kể các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, giáo sư và thạc sĩ. Vấn đề thảm họa môi trường xem ra giống như trò thầy bói xem voi. Chỉ khác, trong “thầy bói xem voi” không có ai phải chết cả, con voi cũng không chết. Còn chuyện của chúng ta bây giờ, là câu chuyện của sự hủy hoại. Hủy hoại mạng sống con người, hủy hoại môi sinh, hủy hoại lòng tin và hủy hoại cả tương lai đất nước.
Cá chết, thảm họa môi trường đã xảy ra hơn 20 ngày nay rồi. Ấy vậy mà chưa ai tìm ra nguyên nhân. Ông thì bảo cá vẫn an toàn, biển vẫn bình thường và khuyên người dân cứ vô tư ăn cá và tắm biển. Tất nhiên nếu chết thì ráng chịu. Ông lại phán, cá chết là do “chấn động âm thanh”. Ông khác nữa lại khẳng định “do tác động của các độc tố hoá học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển… Do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là hiện tượng thuỷ triều đỏ”.
Rồi hôm nay lại có một số nhà khoa học phản bác rằng “Không thể có hai nguyên nhân này một lúc, bởi có chất độc thì không có tảo và ngược lại”, và "Tảo chết rồi thì làm gì nở hoa được".
Không biết đến bao giờ, cái trò “thầy bói xem voi” này mới kết thúc. Chỉ sợ khi ấy, không chỉ cá chết hàng loạt mà số người chết tăng lên vẫn không ông to bà lớn nào trong cái gọi là những “cơ quan chức năng” tìm ra nguyên nhân. Sự thực nằm ở đâu, thì cả người dân (nạn nhân), thủ phạm, kẻ chủ mưu và kẻ bao che đều biết.
Xin nhắc nhau một điều rằng, chúng ta đều vẫn đang (phải) sống trong cái rọ cộng sản khi mà nhân loại đã đạt đến ngưỡng hạnh phúc của cuộc sống.
Ngó qua giới văn nghệ sĩ Việt Nam, liên tưởng tới bài thơ “Lạ” của nhà thơ Thái Bá Tân, mà thấy nực cười. Cười nhưng xót, chứ không vui:
“Trước ống kính, xúc động,
Các nghệ sĩ lâm ly
Cắn móng tay thương tiếc
Loài tê giác Châu Phi.
Nhưng cá Miền Trung chết,
Chưa thấy ai cắn gì.
Chắc cá Việt không quí
Bằng tê giác Châu Phi”.
(trích bài thơ “Lạ” của Thái Bá Tân)
Tất nhiên, cũng còn có một số nhà khoa học, một số ít những văn nghệ sĩ còn đau đáu chuyện nước non. Nhưng số ấy ít quá. Suy cho cùng, không riêng gì giới văn nghệ sĩ, mà nhiều thành phần trong xã hội này đều đang ở trong một tâm thế quy hàng. Quy hàng trước cái ác, cái xấu.
Những ngày qua, trên các trang Facebook đã có hàng ngàn lượt likes, lượt shares, lượt bình luận về những thông tin liên quan đến vụ cá chết. Nhưng ngày 1/5 tới đây, bao nhiêu trong số đó dám biến lời nói, ước vọng của mình thành hành động?
Xuống đường- không phải chặng đường quá xa từ mỗi căn nhà đến nơi tập trung biểu tình. Hoặc mỗi người cũng có thể tự chọn cho mình một nơi thích hợp để công khai bày tỏ thái độ trước vấn đề trọng đại của đất nước. Nhưng, từ trên mạng bước ra đời thật phải chăng với nhiều người là một chặng đường quá dài không thể vượt qua?
Chúng ta có thể SỢ, có thể NHÁT, nhưng chúng ta không thể HÈN. Không thể HÈN mãi được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét